Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tài chính trong Quân đội

10:14 - Thứ Sáu, 13/01/2023 Lượt xem: 5639 In bài viết

Trong 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 513-NQ/QUTW (Nghị quyết 513) của Thường vụ Quân ủy Trung ương (QUTƯ) về công tác tài chính (CTTC) Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo, mặc dù có nhiều khó khăn tác động, song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Thường vụ QUTƯ, thủ trưởng Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chỉ huy các cấp, ngành tài chính Quân đội đã hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đề ra.

Chất lượng, hiệu quả CTTC trong Quân đội ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Lãnh đạo sâu sát, chỉ đạo quyết liệt

Ngay sau khi QUTƯ ban hành Nghị quyết 513, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết trong Đảng bộ Quân đội. Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ, nhiều cấp ủy trong Đảng bộ Quân đội đã ban hành nghị quyết chuyên đề và cụ thể hóa vào chương trình hành động; chỉ huy các đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện bảo đảm sát với đặc điểm nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của đơn vị, địa bàn đóng quân. Đặc biệt, thực hiện chỉ thị của Thường vụ QUTƯ và hướng dẫn của Cục Tài chính (Bộ Quốc phòng) về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 513, các cơ quan, đơn vị toàn quân đã triển khai tổng kết ở cấp mình bảo đảm nghiêm túc, chất lượng, đúng thời gian quy định.

Chia sẻ về cách làm của đơn vị mình, Trung tướng Đỗ Văn Thiện, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục Hậu cần cho biết: "Đảng ủy, chỉ huy Tổng cục và cấp ủy, chỉ huy các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt nghiêm túc Nghị quyết 513 và các nghị quyết, chỉ thị, quy định của QUTƯ, Bộ Quốc phòng về CTTC. Đặc biệt, Đảng ủy Tổng cục đã ban hành Nghị quyết số 624-NQ/ĐU ngày 10-4-2013 để cụ thể hóa Nghị quyết 513 vào lãnh đạo CTTC của Tổng cục; cấp ủy, chỉ huy các cấp đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo CTTC trong nghị quyết đại hội nhiệm kỳ, nghị quyết lãnh đạo hằng năm và thường kỳ".

Các thí sinh tham gia thi trưởng ban, kế toán trưởng, trợ lý tài chính giỏi do Tổng cục Hậu cần tổ chức năm 2022. Ảnh: Hồng Quang

Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng chia sẻ: "10 năm qua, Thường vụ Đảng ủy, chỉ huy Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng luôn lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện về CTTC, nhất là việc thực hiện nội dung của Nghị quyết 513. Đối với các đơn vị dự toán ngân sách, Đảng ủy Tổng cục đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, phân bổ ngân sách có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho nhiệm vụ chính trị; đối với các doanh nghiệp, triển khai nhiều biện pháp tích cực để khai thác, huy động và đa dạng hóa các nguồn lực tài chính trong nội bộ cho sản xuất và duy trì năng lực sản xuất quốc phòng...".

Nhiều biện pháp, cách làm hiệu quả

Từ năm 2013 đến nay, các tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu 7 đã chi hàng chục nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS, QP). Trung tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7 cho biết: "Thực hiện Nghị quyết 513, Đảng ủy, Bộ tư lệnh (BTL) Quân khu đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh ủy, thành ủy trên địa bàn tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động công tác QS, QP địa phương; quan tâm đầu tư ngân sách địa phương cho nhiệm vụ QS, QP. Đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ, huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của các doanh nghiệp bên ngoài hàng chục tỷ đồng để mua sắm trang bị, vật tư các loại, góp phần tăng cường sức mạnh khu vực phòng thủ. Như trong đợt dịch Covid-19, Quân khu 7 đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp, huy động được hàng trăm tỷ đồng giúp nhân dân vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất...".

Đối với Quân chủng Phòng không-Không quân, Thường vụ Đảng ủy, BTL Quân chủng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chú trọng các biện pháp thông qua thực hiện chương trình hành động của Quân chủng về thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... Quân chủng thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối khi lập dự toán, chống lãng phí ngay từ khi lập, phân bổ dự toán ngân sách năm; duy trì tốt việc tổ chức hội nghị giao dự toán ngân sách và triển khai công tác tài chính hằng năm ở các cơ quan, đơn vị; chú trọng kiểm soát chi cả trước, trong và sau khi chi tiêu; quản lý chặt chẽ mua sắm tài sản công; duy trì thường xuyên việc khảo sát giá trong mua sắm vật tư, tài sản; thực hiện đúng quy định trong công tác lựa chọn nhà thầu; thực hành tiết kiệm trong sử dụng xăng, dầu, điện, nước, công tác phí, tiếp khách, hội nghị...

Những năm qua, Đảng ủy Quân đoàn 1 và cấp ủy các cấp đã thường xuyên đổi mới, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng ngân sách của các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện theo đúng quy định; các cấp ủy đảng định kỳ thực hiện kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức đảng trực thuộc về lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nghị quyết, quy chế lãnh đạo và tổ chức thực hiện CTTC tại đơn vị. Nhờ đó, chất lượng CTTC của Quân đoàn được nâng lên rõ rệt, ngày càng đi vào nền nếp...

Một số đơn vị đã đột phá, tập trung vào những nội dung có tính chất trọng tâm trong CTTC, sát với đặc điểm nhiệm vụ như: Binh chủng Tăng thiết giáp triển khai thực hiện tốt công tác bảo đảm kinh phí cho mua sắm vật tư, khí tài, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác huấn luyện chiến đấu, đào tạo...; Học viện Quốc phòng thường xuyên quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên làm CTTC có phẩm chất, năng lực, tác phong công tác tốt; Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thành lập hội đồng kinh tế, hội đồng thẩm định giá, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện chế độ, nguyên tắc tài chính và mua sắm của các đơn vị, bếp ăn, luôn tuân thủ đúng Luật Đấu thầu, tất cả nội dung mua sắm đều tổ chức báo giá cạnh tranh...

Để công tác tài chính đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ

Thiếu tướng Lưu Sỹ Quý, Cục trưởng Cục Tài chính (Bộ Quốc phòng) cho biết: "Từ thực tiễn 10 năm triển khai Nghị quyết 513, ngành tài chính Quân đội đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm. Trước hết, các cơ quan, đơn vị cần thường xuyên quán triệt, nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực tài chính, ngân sách; cụ thể hóa các nội dung này sát với thực tiễn, đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ QS, QP. Đồng thời đề cao tinh thần tự lực, tự cường đi đôi với phát huy tối đa hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính. Quá trình triển khai thực hiện kết hợp chặt chẽ giữa công tác quản lý, điều hành tài chính với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; coi trọng đổi mới phương thức quản lý tài chính, tài sản công gắn với xây dựng, hoàn chỉnh và thực hiện nghiêm hệ thống quy chế lãnh đạo, văn bản quy phạm pháp luật về tài chính. Ngoài ra, cần coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên làm CTTC cả về số lượng, chất lượng và trình độ nghiệp vụ chuyên môn...".

Trên cơ sở kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm rút ra qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 513, Thượng tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, thời gian tới, Thường vụ QUTƯ, Bộ Quốc phòng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo CTTC Quân đội chấp hành đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, quy chế, quy định. Tiếp nhận, phân bổ, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, góp phần củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu và khả năng SSCĐ của Quân đội, đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ QS, QP và điều chỉnh tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo.

Để đạt được mục tiêu chung đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp CTTC; tiếp tục triển khai thực hiện và hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính mới trong Quân đội theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, phù hợp với đặc thù quốc phòng. Lãnh đạo công tác quản lý tài chính, ngân sách, tài sản công chặt chẽ, thống nhất, toàn diện, hiệu quả; tiếp nhận các nguồn lực tài chính bảo đảm đầy đủ, kịp thời cho các nhiệm vụ. Cùng với đó, quản lý chặt chẽ, an toàn, hiệu quả việc sử dụng vốn và tài sản nhà nước trong các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp; tăng cường tiềm lực, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tăng gia sản xuất; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát, nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính, ý thức thượng tôn pháp luật, xây dựng ngành tài chính vững mạnh, cán bộ, nhân viên tài chính có đủ phẩm chất, năng lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Theo QĐND
Bình luận
Back To Top