Cột mốc lòng dân

10:43 - Thứ Bảy, 14/01/2023 Lượt xem: 5891 In bài viết

ĐBP - Dải đất biên cương Điện Biên đang khởi sắc từng ngày. Sự đổi thay đó, ngoài nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc khu vực biên giới, có đóng góp không nhỏ của cán bộ chiến sĩ quân hàm xanh.

Giúp dân sản xuất, củng cố hệ thống chính trị

Đến bản Sen Thượng, xã Sen Thượng (huyện Mường Nhé) hôm nay không còn những đoạn đường khúc khuỷu quanh co, nắng bụi mưa lầy, mà đã được thay thế bằng con đường bê tông sạch, đẹp. Nhưng thay đổi quan trọng hơn là nhận thức, tư duy sản xuất của người dân. Từ ngày bám bản, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng đối thoại để nắm tình hình, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, cán bộ Đồn Biên phòng Sen Thượng đã phối hợp với chính quyền xã tuyên truyền cho bà con không được ỷ lại, chờ đợi các chương trình dự án của Nhà nước mà phải tự mình khai hoang sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt là việc sản xuất 2 vụ lúa để tăng sản lượng lương thực. Bộ đội biên phòng giúp nhân dân từ khâu làm đất, chọn và xử lý hạt giống đến khâu gieo và chăm sóc cây lúa. Đến nay, hầu hết người dân trong bản đã biết cấy lúa 2 vụ tại những diện tích có nước tưới; học hỏi kinh nghiệm phát triển chăn nuôi, trồng rau theo mô hình tăng gia của Đồn Biên phòng Sen Thượng.

Thiếu tá Nguyễn Xuân Hướng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sen Thượng cho biết: Sen Thượng là xã biên giới đặc biệt khó khăn, có đoạn biên giới tiếp giáp Trung Quốc dài 23,493km với 8 cột mốc. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo song vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Để xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc ở vùng biên, với phương châm “4 cùng” và “4 bám”, cấp ủy, chỉ huy Đồn đã cử cán bộ, chiến sĩ đến các thôn, bản tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, đơn vị phân công 22 đảng viên phụ trách 99 hộ gia đình trong toàn xã.

Thời gian qua, lực lượng bộ đội biên phòng trên toàn tuyến biên giới tỉnh Điện Biên đã tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều giải pháp xây dựng, củng cố vững chắc hệ thống chính trị ở cơ sở, kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp, không để đột xuất bất ngờ xảy ra. Trong năm 2022, các đơn vị biên phòng đã tham mưu phát triển, thành lập mới 16 chi bộ; bồi dưỡng kết nạp 245 đảng viên, củng cố 349 tổ chức đảng, 43 tổ chức chính trị - xã hội khác.

Năm 2020, bản Pú Chả, xã Mường Mươn (huyện Mường Chà) chỉ có 2 đảng viên, gồm 1 đảng viên chính thức, 1 dự bị, không đủ điều kiện để thành lập chi bộ. Trung  úy Chang A Súa, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Mường Mươn được phân công sinh hoạt, giúp đỡ bản Pú Chả. Trung úy Súa đã tích cực tham mưu cho ban lãnh đạo bản thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nhất là công tác phát hiện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú để tạo nguồn phát triển đảng viên. Đến nay bản Pú Chả đã thành lập chi bộ với 3 đảng viên chính thức.

Thiếu tá Nguyễn Xuân Hướng (ngoài cùng bên trái), Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sen Thượng trao quà, động viên hộ nghèo, neo đơn bản Tả Ló San, xã Sen Thượng.

Mỗi người dân là một chiến sĩ

Đã ngoài 60 tuổi nhưng ông Thùng Văn Hôm, bản Nà Hỳ 2, xã Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ) vẫn tích cực sát cánh cùng cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Nà Hỳ tuần tra đường biên, cột mốc; đến từng nhà dân tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. “Mỗi lần cùng bộ đội biên phòng tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới thực sự là niềm vinh dự lớn lao với tôi, bởi bản thân đang góp một phần sức mình giữ gìn vững bền biên cương Tổ quốc!” - ông Thùng Văn Hôm chia sẻ.

Thời gian qua, 278 người có uy tín thuộc 14 dân tộc trên tuyến biên giới của tỉnh đã phát huy tốt vai trò của mình, thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số không di cư tự do, ổn định cuộc sống, sản xuất; nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng, chống các âm mưu gây chia rẽ đoàn kết dân tộc. Nhiều trưởng bản, người có uy tín dù tuổi cao, sức yếu, nhưng bằng uy tín, sự gương mẫu đã được nhân dân khu vực biên giới tin yêu, học tập cùng tham gia giữ gìn biên cương Tổ quốc thêm vững vàng. Những việc làm của già làng, trưởng bản, người có uy tín đã giúp người dân khu vực biên giới ngày càng nhận thức rõ hơn về việc: “Mỗi người dân ở biên giới đều phải có trách nhiệm với đường biên, cột mốc; phải coi cột mốc như tài sản quý giá của bản thân mình vậy”.

Gắn bó máu thịt với đồng bào các dân tộc, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân xây dựng, bảo vệ biên giới là những thành tích to lớn mà lực lượng biên phòng đã làm được trong thời gian qua. Đến nay, trên khu vực biên giới tỉnh ta có 81 tập thể và 3.398 hộ, 4.412 cá nhân đăng ký tự quản 408,616km/455,573km đường biên giới với 146 mốc; 302 tổ, 1.682 thành viên tự quản an ninh trật tự thôn, bản. Điều ý nghĩa nhất là người dân biên giới coi bảo vệ đường biên, cột mốc không chỉ là trách nhiệm, mà còn là niềm tự hào của họ.

Một mùa xuân mới đang về trên mảnh đất biên cương Điện Biên. Dù kinh tế phát triển chưa cao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn song nhân dân các dân tộc khu vực biên giới đã phát huy tốt vai trò, sức mạnh cùng bộ đội biên phòng xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.

Lan Phương
Bình luận
Back To Top