Làm gì để hạn chế bù đổi?

14:50 - Thứ Sáu, 17/02/2023 Lượt xem: 4745 In bài viết

Việc thực hiện "tròn khâu" trong tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ (tuyển quân) góp phần giảm chi phí, công sức cho các đơn vị nhận quân, đồng thời phát huy được vai trò, trách nhiệm, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, hội đồng nghĩa vụ quân sự (NVQS) địa phương trong công tác quân sự, quốc phòng.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực cũng xuất hiện một số hạn chế nhất định về công tác khám tuyển của các địa phương. Làm gì để không ngừng nâng cao chất lượng tuyển quân, hạn chế việc bù đổi sau khi phúc tra chất lượng chiến sĩ mới (CSM) đang là trăn trở của không ít lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị.

Đến Tiểu đoàn huấn luyện CSM thuộc Sư đoàn Phòng không 375 (Quân chủng Phòng không-Không quân), chúng tôi nhận thấy cơ bản bộ đội đã quen với môi trường mới, tác phong, xưng hô, chào hỏi khá nền nếp. Chứng kiến 100% quần áo của CSM chưa có biển tên, một số ít chiến sĩ sức khỏe yếu, mong bản thân có tên trong danh sách bù đổi để được trở về nhà, đem thắc mắc này hỏi chỉ huy đơn vị, chúng tôi nhận được câu trả lời: Phải có kết quả phúc tra sức khỏe, chất lượng chính trị và qua 15 ngày kể từ khi bộ đội đặt chân đến đơn vị mà không phải bù đổi mới tạm yên tâm.

Giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới ở Sư đoàn Phòng không 375 (Quân chủng Phòng không-Không quân).

Từ băn khoăn đó của các đơn vị, chúng tôi tìm hiểu chất lượng chính trị, sức khỏe của công dân nhập ngũ những năm gần đây ở Trung đoàn 141, Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1); Lữ đoàn Xe tăng 406 (Quân khu 2); Tiểu đoàn huấn luyện CSM, Sư đoàn Phòng không 375... thấy nổi lên một số hạn chế nhất định. Theo Đại tá Vũ Minh Thắng, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Xe tăng 406, từ khi thực hiện “tròn khâu” trong công tác tuyển quân, đơn vị không phải cử cán bộ về các địa phương để thâm nhập, thực hiện “3 gặp, 4 biết”, vừa tốn nhiều thời gian, công sức, vừa phải phân chia lực lượng. Do đó, đơn vị có điều kiện bồi dưỡng cán bộ và làm công tác chuẩn bị huấn luyện. Tuy nhiên qua đó cũng cũng bộc lộ một số khó khăn, bất cập về chất lượng chính trị cũng như sức khỏe của công dân nhập ngũ, gây khó khăn cho đơn vị quản lý, huấn luyện, nhất là tình trạng công dân mắc bệnh về mắt, bệnh xã hội, có hình xăm phản cảm, trình độ văn hóa kê khai chưa đúng với thực tế... Trao đổi với Thượng tá Phùng Xuân Tùng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, chúng tôi được biết, thực trạng khá phổ biến sau khi đơn vị tiến hành phúc tra là chất lượng sức khỏe của bộ đội có độ vênh nhất định so với hồ sơ ban đầu của địa phương; có trường hợp bị bệnh trầm cảm, thậm chí bị bệnh động kinh, có cả bệnh án điều trị ở nhà, nhưng do rà soát chưa kỹ nên địa phương vẫn kết luận đủ điều kiện nhập ngũ.

Nguyên nhân của thực trạng trên, theo lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị, là do một số địa phương giao quân đơn giản trong thẩm định hồ sơ, năng lực sơ tuyển, khám tuyển của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyển quân địa phương còn hạn chế, đặc biệt là bệnh thành tích và áp lực về chỉ tiêu giao quân, nên có những trường hợp công dân chưa đạt yêu cầu về sức khỏe, văn hóa, tiêu chuẩn chính trị nhưng địa phương vẫn khẳng định đủ điều kiện. Các trường hợp nêu trên chỉ được phát hiện khi đơn vị tiến hành phúc tra kết quả khám tuyển NVQS của địa phương giao quân. Nguyên nhân nữa phải kể đến, đó là khi thực hiện “tròn khâu” thì toàn bộ quy trình tuyển chọn, xét duyệt, sơ tuyển, khám tuyển... đều do địa phương giao quân đảm nhiệm, các đơn vị nhận quân chỉ phối hợp thâm nhập hồ sơ và nhận quân, vì vậy không nắm được ngay từ đầu nguồn gốc, lai lịch, sức khỏe, bệnh lý, mối quan hệ... của công dân nhập ngũ. Chỉ đến khi về đơn vị, tiến hành phúc tra lại toàn bộ công tác khám tuyển của địa phương mới phát hiện các trường hợp không đủ tiêu chuẩn phục vụ tại ngũ, buộc phải bù đổi hoặc trả về địa phương.

Trước thực trạng nêu trên, để từng bước nâng cao chất lượng tuyển quân, hạn chế đến mức thấp nhất việc bù đổi, Đại tá Nguyễn Văn Xuân, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phúc nêu kinh nghiệm: Cấp ủy, chính quyền, cơ quan quân sự các cấp cần thường xuyên nắm chắc số công dân trong diện gọi nhập ngũ đang có mặt, vắng mặt tại địa phương; tổ chức tập huấn cho cán bộ, nhân viên tham gia tuyển quân; chỉ đạo thực hiện sơ tuyển, khám tuyển, xét duyệt chặt chẽ, nghiêm túc, dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch. Đặc biệt, cần phân công thành viên hội đồng NVQS, mỗi đồng chí chịu trách nhiệm theo dõi một địa bàn và chịu trách nhiệm về chất lượng công tác tuyển quân. Bên cạnh đó, cần thành lập hội đồng khám sức khỏe đầy đủ thành phần, số lượng, trang thiết bị theo quy định; tổ chức địa điểm khám sức khỏe phù hợp, phân công rõ trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân tham gia khám tuyển sức khỏe NVQS bảo đảm chất lượng, kết luận chính xác và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện. Đặc biệt, cần đề cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quân sự các cấp, tổ chức tập huấn, phân rõ trách nhiệm cán bộ phụ trách từng địa bàn để nắm chắc chất lượng nguồn ngay từ thôn, xóm, trong các cơ quan, nhà trường, công ty, xí nghiệp. Phát huy tốt vai trò của các thành viên hội đồng NVQS và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyển quân.

Bên cạnh đó, theo nhiều lãnh đạo, chỉ huy đơn vị huấn luyện CSM, cùng với tiêu chuẩn chính trị thì sức khỏe của công dân nhập ngũ là yếu tố then chốt, quyết định thành công của công tác tuyển quân cũng như chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị. Trong khi thực tế hiện nay, quá trình sơ tuyển, khám tuyển của các địa phương (từ xã, phường, thị trấn đến huyện, thành phố) vẫn đang duy trì ở cấp độ khám lâm sàng (chiều cao, cân nặng, nghe, gõ, sờ, hỏi...), nên rất khó phát hiện ra những vấn đề phức tạp về bệnh lý, sức khỏe. Do đó, để góp phần giảm bớt chi phí, đồng thời bảo đảm kết quả khám tuyển được chính xác, các đơn vị nhận quân và địa phương giao quân nên có sự phối hợp trong thực hiện khám tuyển cận lâm sàng, cần thiết sẽ tiến hành khám chuyên sâu với những trường hợp đặc biệt, bảo đảm không để lọt các trường hợp công dân không đủ tiêu chuẩn nhập ngũ vào Quân đội, Công an.

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top