ĐBP - Chiến tranh đi qua nhưng nguy cơ mất an toàn liên quan đến bom mìn, vật nổ vẫn còn. Chính vì vậy, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp rà phá, khắc phục bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, vì mục tiêu đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh và nhiều văn bản chỉ đạo chính quyền các cấp, các sở, ban ngành, đoàn thể triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch của Chính phủ về nội dung này. Theo đó, các cơ quan liên quan tăng cường công tác phối hợp thực hiện khắc phục hậu quả bom mìn. Các chủ đầu tư đưa hạng mục rà phá bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh vào các dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. UBND các cấp chú trọng công tác kiểm tra việc triển khai các hạng mục rà phá bom mìn của các dự án.
Thực hiện kế hoạch khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, các cơ quan chuyên môn của tỉnh phối hợp với Binh chủng Công binh (Bộ Tư lệnh Quân khu 2) thực hiện điều tra, khảo sát, đánh giá mức độ tồn lưu bom mìn, vật nổ sau chiến tranh. Từ đó lập bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên địa bàn tỉnh. Qua đánh giá, toàn tỉnh có 59.620ha đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ cần khắc phục để phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, ổn định đời sống cho Nhân dân. Giai đoạn 2006 - 2022, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan tích cực thực hiện 4 dự án rà phá bom mìn, vật nổ sau chiến tranh. Kết quả đã thực hiện rà phá sạch bom mìn, vật nổ được 6.103/59.620ha. Bao gồm: Dự án Rà phá bom mìn, vật nổ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc (100ha); Dự án Rà phá bom mìn, vật nổ phục vụ tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc giới Việt Nam - Lào (413ha); Dự án Rà phá bom mìn theo Quyết định 504/QĐ-TTg ngày 21/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025 (630ha) và hạng mục rà phá bom mìn thuộc các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh (4.950ha). Qua công tác rà soát, các cơ quan chuyên môn đã phát hiện, xử lý và tiêu hủy hàng chục quả bom mìn, đạn pháo, đạn cối... Những diện tích đã được rà phá sạch bom mìn, vật nổ góp phần tái tạo quỹ đất, đảm bảo môi trường, điều kiện an toàn cho sản xuất, đời sống của Nhân dân; giảm thiểu tai nạn, thương tích do bom mìn, vật nổ gây ra. Song song với công tác rà phá, các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm tra hoạt động thu gom, tàng trữ, mua bán và sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh; quản lý chặt chẽ vũ khí, vật liệu nổ trên địa bàn tỉnh và thực hiện tốt việc thu gom, hủy nổ an toàn khi người dân phát hiện bom mìn, vật nổ.
Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về tính chất nguy hiểm của bom mìn, vật nổ cũng được thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức. Giai đoạn 2006 - 2022, Bộ CHQS tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng tổ chức tuyên truyền trực tiếp hàng trăm buổi với hàng nghìn lượt người tham gia. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đăng tải trên 1.000 tin, bài và trên 300 video tuyên truyền, vận động Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh; nâng cao nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bom mìn, vật nổ. Nhờ đó, những năm qua người dân đã phát hiện và báo cho lực lượng chức năng thu gom, hủy nổ nhiều quả bom, vật nổ sót lại sau chiến tranh. Gần đây nhất là ngày 25/2, trong quá trình thi công kè chống sạt tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, công nhân phát hiện 1 quả bom đã gỉ sét nằm ở độ sâu gần 2m. Tiếp nhận thông tin, Ban CHQS TP. Điện Biên Phủ đã cử cán bộ chuyên môn đến hiện trường kiểm tra, xác định quả bom có ký hiệu MK148, nặng 350kg. Đây là bom do thực dân Pháp ném xuống Chiến trường Điện Biên Phủ từ những năm 1950. Ban CHQS TP. Điện Biên Phủ đã chuyển quả bom đến vị trí tập kết chuẩn bị hủy nổ, an toàn.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các tổ chức, các lực lượng và người dân về tầm quan trọng của công tác rà phá, khắc phục bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh. Tập trung rà soát, bổ sung và hoàn thiện các văn bản theo từng ngành, lĩnh vực, nhất là xây dựng các văn bản, kế hoạch bảo đảm sát thực tế, khả thi.