ĐBP - Theo giới thiệu của Đại úy Mùi Hảo Nghiệp, Chính trị viên Tiểu đoàn Bộ binh1, Trung đoàn 741, chúng tôi quan sát một buổi giải lao giữa giờ huấn luyện của Trung đội 6, Đại đội 2 thuộc tiểu đoàn. Dưới tán cây phượng, những câu chuyện giữa chiến sĩ với nhau, giữa cán bộ với chiến sĩ nhưng tôi chú ý câu chuyện của Trung úy Giàng A Vàng trung đội trưởng với các chiến sĩ mới đều là người dân tộc Mông: Đồng chí Tằng ở Mường Ảng đã có vợ chưa? Dạ em có vợ rồi. Thế đã có con chưa? Vậy đồng chí Thái có vợ chưa? Dạ em chưa có Trung đội trưởng ạ. Thế là chưa có vợ thì cũng đỡ phải suy nghĩ nhiều như các đồng chí đã có vợ và con. Vào đây rồi thì chúng ta cần cố gắng, có tâm sự gì thì cứ tâm sự với các anh ở đây... nhìn những bàn tay nắm chặt vào nhau chúng tôi thầm hiểu đó cũng chính là sự động viên, chia sẻ và ý chí quyết tâm của tình đồng chí đồng đội cùng nhau vững bước trong hành trình phía trước.
Mặc dù đã hơn 1 tháng trôi qua, các chiến sĩ nhập ngũ năm 2023 dần quen với nền nếp chế độ sinh hoạt của đơn vị. Tuy nhiên, có đồng chí vẫn chưa vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân. Sự thân tình của cán bộ trung đội như người anh, người bạn sẽ tạo niềm tin, khơi được sự bộc bạch của chiến sĩ, từ đó làm động lực để các chiến sĩ nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ trong ngày tháng tiếp theo. Trung đội trưởng Giàng A Vàng chia sẻ: Là người dân tộc thiểu số, trước đây tôi cũng từng đi nghĩa vụ như các đồng chí. Tôi rất hiểu tâm lý, tâm tư nguyện vọng của các đồng chí là người dân tộc thiểu số. Với những hiểu biết và kinh nghiệm, tôi quan tâm động viên tư tưởng cán bộ, chiến sĩ trong trung đội là phải đoàn kết, chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, kỷ luật Quân đội, đơn vị... Đồng thời giải quyết tốt mối quan hệ giữa từng chiến sĩ, từng cá nhân trong trung đội và kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra để tinh thần chiến sĩ luôn thoải mái, đơn vị lúc nào cũng ổn định nhất.
Mỗi chiến sĩ vào quân đội đều mong muốn được trưởng thành trong môi trường rèn luyện kỷ luật và tràn đầy sự yêu thương ấm áp của tình đồng đội. Chính sự thân tình, cởi mở của cán bộ các cấp sẽ trở thành động lực, giải pháp “mệnh lệnh không lời” để họ nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống mới. Nở nụ cười rất tươi, chiến sĩ Giàng A Tằng bộc bạch: Mục tiêu chính của tôi là về đây để rèn luyện, nâng cao trình độ và học hỏi thêm kiến thức, cố gắng tiếp thu nhiều kinh nghiệm sống, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Còn chiến sĩ Sùng A Thái cho biết: Sau này khi tôi hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của người chiến sĩ, về địa phương tôi sẽ cố gắng động viên thanh niên xung phong đi bộ đội, phấn đấu huấn luyện thật tốt để trở thành người chiến sĩ Cụ Hồ.
Trao đổi với chúng tôi, Đại úy Mùi Hảo Nghiệp, Chính trị viên Tiểu đoàn Bộ binh 1 cho biết: Quan điểm của đơn vị là ngay từ ngày đầu chiến sĩ nhập ngũ thì chúng tôi phải giáo dục, rèn luyện, khi được cống hiến học tập tại Tiểu đoàn Bộ binh 1 thì chắc chắn là các đồng chí sẽ có được những thuận lợi nhất định, đặc biệt là được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, được gia đình tạo điều kiện và thủ trưởng cấp trên rất quan tâm, điều đó đã tiếp động lực cho mỗi chiến sĩ phấn đấu trưởng thành.
Cái khó nhất của cán bộ là nắm bắt và quản lý tư tưởng của chiến sĩ, nhất là chiến sĩ mới nhập ngũ. Với sự quan tâm thân tình, cởi mở, không khoảng cách của đội ngũ cán bộ các cấp chính là “mệnh lệnh không lời” đối với chiến sĩ, qua đó đã từng bước tạo niềm tin đối với bộ đội, giúp đỡ bằng cả tấm lòng để các chiến sĩ từng bước quen với môi trường quân ngũ, nỗ lực phấn đấu, dần hiện thực hóa những hoài bão của bản thân trở thành hiện thực.