Sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới

08:24 - Thứ Hai, 24/04/2023 Lượt xem: 5820 In bài viết

ĐBP - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8, Khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, tỉnh Điện Biên đã triển khai toàn diện, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết đề ra. Đây là cơ sở, nền tảng để tỉnh tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Các lực lượng tham gia nội dung thực binh trong Cuộc diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Điện Biên năm 2021. Ảnh tư liệu: Đức Hạnh

Đảng lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối

Giữ vững vai trò lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là yếu tố then chốt để tỉnh Điện Biên hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong những năm qua. Chính vì vậy, trong tình hình mới, cần tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của trung ương, của Tỉnh ủy về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Nâng cao sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng các cấp trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị tỉnh thời gian qua đã được quan tâm kiện toàn, sắp xếp song cần tiếp tục được đẩy mạnh hơn, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, giảm đầu mối tổ chức. Đảm bảo các cơ quan tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm. Đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đảm bảo các tổ chức đảng, đảng viên vững mạnh, bản lĩnh, đáp ứng nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh. Trong đó có nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đồng thời đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân vận, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội góp phần xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền; tạo sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát triển kinh tế nhanh, bền vững

Tỉnh Điện Biên xác định tập trung phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, gắn với cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh. Trong đó, tập trung phát huy những tiềm năng, lợi thế của tỉnh để cụ thể hóa thành phương hướng, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp trong giai đoạn 2021 - 2030. Trọng tâm là ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển nguồn nhân lực. Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đẩy mạnh phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững; củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc. Bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa các vùng, nhất là vùng cao, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc.

Hiện nay Điện Biên tập trung hoàn thành xây dựng Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đảm bảo chất lượng cao. Tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2021 - 2030 đạt 9,5%; trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt 10,5%, giai đoạn 2026 - 2030 đạt 9,0%/năm. Đến năm 2025, GRDP bình quân đạt 60 triệu đồng, đến năm 2030 đạt 100 triệu đồng. Đến năm 2030 giảm tỷ trọng nông - lâm - nghiệp xuống còn 11,8%; công nghiệp - xây dựng tăng lên 30,9% và dịch vụ chiếm 57,3% trong cơ cấu kinh tế.

Tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh

Trong những năm qua, tiềm lực quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh được tăng cường, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được xây dựng, củng cố ngày càng vững chắc. Các lực lượng chức năng, cấp ủy, chính quyền các huyện biên giới tăng cường công tác phối hợp quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

Trong tình hình mới, các cấp, ngành tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo vệ Tổ quốc, nhất là các nghị quyết, chỉ thị về quốc phòng - an ninh, bảo vệ biên giới quốc gia. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh.

Trong công tác quy hoạch, Đảng ủy Quân sự tỉnh cần tiếp tục phát huy tốt vai trò tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện gắn với củng cố quốc phòng - an ninh; vừa phục vụ nhu cầu dân sinh trong thời bình, đồng thời sẵn sàng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng trong thời chiến. Quy hoạch, đầu tư hạ tầng giao thông, y tế, bưu chính - viễn thông tạo mạng lưới liên hoàn, nối liền các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và đáp ứng yêu cầu hoạt động tác chiến của khu vực phòng thủ. Nhất là tại địa bàn chiến lược, khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bộ CHQS tỉnh tập trung nâng cao chất lượng lực lượng thường trực theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Lực lượng dự bị động viên sẵn sàng huy động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ khi cần thiết. Lực lượng dân quân tự vệ được xây dựng bảo đảm “vững mạnh, rộng khắp” ngày càng nâng cao chất lượng chính trị, khả năng hiệp đồng với các lực lượng trên địa bàn.

Thực hiện có hiệu quả Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Xây dựng lực lượng công an tỉnh theo hướng “tinh, gọn, mạnh”. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia của các thế lực thù địch, phản động, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp ngay tại cơ sở, không để hình thành “điểm nóng” về an ninh trật tự.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị với các tỉnh Bắc Lào và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); phối hợp giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh trên tuyến biên giới; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển.

Hà Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top