Phát triển dữ liệu số ngành kỹ thuật cần có các giải pháp khoa học

15:44 - Thứ Ba, 09/05/2023 Lượt xem: 5824 In bài viết

Quân đội ta đang quản lý số lượng lớn trang bị kỹ thuật, vật tư kỹ thuật. Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), nhất là phát triển dữ liệu số là vấn đề quan trọng, cần thiết để nâng cao công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành đối với công tác kỹ thuật.

Trong đó, tập trung xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về dữ liệu số, tài liệu kỹ thuật điện tử, hồ sơ điện tử và triển khai các giải pháp số hóa, giải pháp công nghệ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành kỹ thuật là nội dung trọng tâm.

Những khó khăn về phát triển dữ liệu số

Cục Kỹ thuật Binh chủng Pháo binh hiện khai thác một số phần mềm quản lý theo từng lĩnh vực. Những phần mềm này giúp công tác quản lý diễn ra thuận tiện, nhanh chóng. Tuy nhiên, một số phần mềm không chia sẻ được dữ liệu trên hệ thống mạng nội bộ; dữ liệu còn thiếu tính linh hoạt, không kịp thời cập nhật thông tin biến động thực tại. Hay phần mềm quản lý chuyên ngành quân khí tương đối toàn diện, hồ sơ trang bị chi tiết, nhưng cán bộ chuyên môn kỹ thuật của các đơn vị sử dụng chưa thành thạo... Theo Đại tá Lê Viết Thắng, Phó chủ nhiệm Kỹ thuật Binh chủng Pháo binh: Những hạn chế, bất cập trong thực tiễn là nguyên nhân dẫn tới việc tạo lập, quản lý, khai thác dữ liệu số gặp nhiều khó khăn.

Các kỹ sư Viện Công nghệ Quốc phòng (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) nghiên cứu phát triển dữ liệu số cho trang bị kỹ thuật.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Đại tá Phương Đình Thuyên, Phó chủ nhiệm Kỹ thuật Quân chủng Phòng không-Không quân cho rằng: "Phát triển dữ liệu số là nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình đưa Quân chủng Phòng không-Không quân tiến thẳng lên hiện đại. Mặc dù đã đạt được một số kết quả bước đầu, tuy nhiên, việc phát triển dữ liệu số vẫn còn nhiều bất cập, như chưa thiết lập được một hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ, thống nhất trong toàn quân cũng như trong Quân chủng nên công tác chỉ huy, điều hành các cấp chủ yếu vẫn sử dụng phương thức truyền thống. Trang thiết bị công nghệ phục vụ chuyển đổi số và khai thác cơ sở dữ liệu số chưa được đầu tư. Nhiều cán bộ, nhân viên còn giữ phương pháp làm việc dựa trên giấy tờ, sổ sách thủ công, khi chuyển đổi mô hình làm việc trong môi trường thực sang môi trường số khó thay đổi thói quen làm việc, ngại phải học cái mới nên có thể tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về bảo mật thông tin.

Tại Hội thảo “Phát triển dữ liệu số ngành kỹ thuật” do Tổng cục Kỹ thuật (TCKT) tổ chức vào cuối tháng 4-2023, nhiều đại biểu băn khoăn khi các cơ sở dữ liệu ngành kỹ thuật được xây dựng mang tính tự phát, chủ yếu xuất phát từ nhu cầu nghiệp vụ cụ thể của mỗi chuyên ngành, mỗi đơn vị, tính mở rộng bị hạn chế, thậm chí thiếu điều kiện bảo hành, bảo trì, chuyển giao công nghệ. Nhiều ứng dụng và cơ sở dữ liệu chưa đáp ứng triển khai trên môi trường mạng, đa người dùng. Việc tổng hợp, kết xuất thông tin từ nhiều cơ sở dữ liệu và ứng dụng phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành chưa tự động, chưa kịp thời, đầy đủ và chính xác. Những ứng dụng và cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị được xây dựng qua nhiều giai đoạn với các công cụ, nền tảng và hệ quản trị cơ sở dữ liệu khác nhau, qua thời gian, một số trở nên lạc hậu, thiếu đồng bộ, thiếu bộ mã định danh trang bị kỹ thuật quy định trong toàn quân; quy trình nghiệp vụ chưa thống nhất, khó liên kết, tích hợp theo chiều ngang hay chiều dọc để tạo thành các cơ sở dữ liệu dùng chung trong toàn ngành kỹ thuật.

Chỉ huy Kho J102, Cục Xe-Máy (Tổng cục Kỹ thuật) kiểm tra kho bảo quản động cơ xe tăng.

Cần có giải pháp khoa học, cụ thể

Yêu cầu phát triển và quản lý dữ liệu số ngành kỹ thuật của từng lĩnh vực, từng đơn vị và toàn ngành phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành bảo đảm thống nhất theo chiều ngang hay chiều dọc là vấn đề cấp thiết, góp phần xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại. Để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số trong ngành kỹ thuật hiệu quả, trước hết cần xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về dữ liệu số, tài liệu kỹ thuật điện tử, hồ sơ điện tử trang bị kỹ thuật; bộ mã định danh điện tử của trang bị, vật tư kỹ thuật sử dụng thống nhất trong toàn quân. Ngoài ra, việc đầu tư vào hạ tầng CNTT bảo đảm năng lực tính toán, truyền tải, tính ổn định, tin cậy và an toàn cũng là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số. Cùng với đó, phải có giải pháp xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao... Đó là quá trình không hề đơn giản, đòi hỏi sự hoạch định tổng thể, lâu dài, sự quyết liệt triển khai của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân.

Đại tá Phương Đình Thuyên nêu giải pháp, trước hết cần xây dựng bộ mã định danh điện tử trang bị, vật tư kỹ thuật của 18 chuyên ngành kỹ thuật và ban hành sử dụng thống nhất trong toàn quân. Đây là cơ sở rất quan trọng để liên kết, tích hợp những cơ sở dữ liệu của các chuyên ngành cũng như cơ sở dữ liệu dùng chung. Đồng thời, triển khai các điều kiện cho phát triển dữ liệu số, như: Bảo đảm 100% đơn vị được kết nối mạng máy tính quân sự có bảo mật, tốc độ cao, ổn định; xây dựng trung tâm dữ liệu của ngành kỹ thuật đủ tiêu chuẩn...

Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và các đại biểu tham quan ứng dụng phát triển dữ liệu số tại khu kỹ thuật của Lữ đoàn 201, Binh chủng Tăng thiết giáp.

Theo Đại tá Đỗ Anh Tuấn, Phó chủ nhiệm TCKT: Hiện TCKT đang phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu số của ngành mang tính tổng thể, liên thông, thống nhất trong toàn ngành, xuyên suốt các chuyên ngành và các cấp đơn vị. Tập trung xây dựng hồ sơ điện tử trang bị, vật tư kỹ thuật và cơ sở dữ liệu về công tác kỹ thuật (bảo đảm trang bị kỹ thuật; bảo đảm kỹ thuật cho trang bị; huấn luyện kỹ thuật; khoa học quân sự; an toàn, vệ sinh lao động; quản lý, xây dựng ngành kỹ thuật, đối ngoại kỹ thuật quân sự; động viên kỹ thuật).

Cùng với đó, TCKT đã chủ động tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đào tạo chuyên sâu đội ngũ nhân lực chuyên môn về dữ liệu số, công nghệ số, cũng như tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng ứng dụng dữ liệu số, công nghệ số cho cán bộ, nhân viên ngành kỹ thuật. Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng, chuyển giao về phát triển dữ liệu số với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp CNTT, đặc biệt là trong Quân đội; nghiên cứu, tham khảo các mô hình hay của một số nước trên thế giới...

Theo QĐND
Bình luận
Back To Top