Lữ đoàn Pháo binh 40 (Quân đoàn 3) là đơn vị có truyền thống huấn luyện giỏi, kể cả những năm gần đây, tỷ lệ chiến sĩ người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm đa số, trình độ nhận thức còn hạn chế và không đồng đều, Lữ đoàn vẫn có 4 năm liên tục (2019-2022) được Bộ Quốc phòng công nhận “Đơn vị huấn luyện giỏi”. Để đạt kết quả này, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo...
Binh nhất Siu Hảo, Pháo thủ số 1, Khẩu đội 1, Trung đội 1, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2 (Lữ đoàn Pháo binh 40) hoàn thành nhanh, chính xác các thao tác lấy phần tử hướng, cùng với khẩu đội thực hiện tốt nội dung luyện tập bắn các mục tiêu theo giáo án, bài tập. Trực tiếp kiểm tra, theo dõi Khẩu đội 1, Trung đội 1 luyện tập, Thượng úy Vũ Bá Hiển, Phó đại đội trưởng Đại đội 6, phấn khởi nói: “Mặc dù đến cuối năm 2022, đơn vị mới tham gia diễn tập bắn đạn thật nhưng trình độ thao tác, hiệp đồng của chiến sĩ đã đạt được hơn 90%. Thời gian tới, sau khi chiến sĩ có trình độ, kỹ năng thao tác đạt chuẩn 100%, đơn vị sẽ huấn luyện, rèn luyện chuyên sâu với yêu cầu về chiến thuật phải đánh giỏi, về kỹ thuật phải bắn trúng, tiêu diệt mục tiêu ngay từ loạt đạn đầu như truyền thống của Bộ đội Pháo binh”.
Theo Thượng úy Vũ Bá Hiển, chiến sĩ của đơn vị chủ yếu là người DTTS. Để bộ đội có kỹ năng quan sát tốt, thao tác nhanh, lấy phần tử bắn chính xác, hiệp đồng chặt chẽ với đồng đội, đặc biệt là để khử được độ rơ của pháo như Binh nhất Siu Hảo và các pháo thủ Khẩu đội 1, đại đội đã dày công huấn luyện, rèn luyện. Ngoài thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nội dung theo giáo án, tài liệu huấn luyện, đơn vị phải thực hiện những biện pháp “đặc thù” đối với chiến sĩ người DTTS, như: Giảng bài chậm với ngôn ngữ dễ hiểu, đọc chậm cho bộ đội ghi chép những nội dung cần thiết, sử dụng nhiều mô hình, tranh vẽ, hình ảnh trực quan và thực hiện động tác mẫu. Nội dung huấn luyện thực hành phải phân chia theo số (đối với pháo thủ) và các chuyên ngành trinh sát, kế toán, thông tin... để luyện tập từ cơ bản đến nâng cao, từ đơn giản đến phức tạp và xoay vòng đổi tập, sửa tập thường xuyên. Hằng ngày, đơn vị đánh giá đúng kết quả huấn luyện của từng chiến sĩ bằng các thông số, định lượng cụ thể thông qua việc kiểm tra, hội thao, bình tập, rút kinh nghiệm ở khẩu đội, trung đội, đại đội. Phân công cán bộ, đảng viên, chiến sĩ có nhận thức tốt kèm cặp, giúp đỡ những đồng chí nhận thức chậm. Tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, phong trào thi đua; kịp thời biểu dương, động viên chiến sĩ bằng những món quà ý nghĩa, tạo bầu không khí tích cực để cán bộ, chiến sĩ thi đua học tập, rèn luyện.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tỷ lệ chiến sĩ người DTTS chiếm đa số là một khó khăn trong huấn luyện các chuyên ngành pháo binh. Song, không vì thế mà Lữ đoàn Pháo binh 40 hạ thấp chỉ tiêu huấn luyện. Từ Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đến các cơ quan, đơn vị đều có quyết tâm cao và triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả để thiết thực nâng chất lượng huấn luyện. Hằng năm, căn cứ vào đối tượng huấn luyện, nhiệm vụ diễn tập, sẵn sàng chiến đấu, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn cụ thể hóa chỉ tiêu huấn luyện giỏi cho từng đơn vị và từng lực lượng: Pháo thủ, trinh sát, kế toán, thông tin... Trên cơ sở đó, tập trung các nguồn lực để làm công tác chuẩn bị huấn luyện chu đáo; yêu cầu "cơ quan bám đơn vị, cán bộ bám thao trường" để kiểm tra, đôn đốc, động viên chiến sĩ huấn luyện.
Trung tá Đào Mạnh Thắng, Phó tham mưu trưởng Lữ đoàn, sau khi kiểm tra và yêu cầu Đại đội 2, Tiểu đoàn 1 chỉnh sửa hố thiết bị của pháo 130mm, chia sẻ: "Phòng Tham mưu phân công cán bộ hằng ngày bám đơn vị để kiểm tra, hướng dẫn huấn luyện. Nhờ đó, mọi sai sót, điểm yếu trong huấn luyện đều được phát hiện, chỉnh sửa, khắc phục kịp thời. Như hố thiết bị của pháo 130mm, tưởng như đơn giản nhưng rất quan trọng. Nếu bộ đội đào không đúng kích thước và kỹ thuật thì việc chỉnh sửa, di chuyển càng pháo rất vất vả, mất nhiều thời gian mà kết quả bắn không cao”.
Theo Đại tá Nguyễn Duy Hạnh, Chính ủy Lữ đoàn Pháo binh 40, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn luôn xác định: Muốn có chiến sĩ giỏi, đơn vị giỏi thì trước hết phải có cán bộ giỏi. Lữ đoàn chủ động làm công tác chuẩn bị huấn luyện về mọi mặt và đặc biệt chú trọng việc tập huấn, bồi dưỡng, phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ. Hiện 100% cán bộ của đơn vị có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực tổ chức, điều hành huấn luyện, bảo đảm giỏi về bắn pháo, thành thạo các kỹ năng, kỹ xảo của sĩ quan pháo binh trong thực hành bắn, chỉ huy bắn và hiệp đồng phân đội. Quá trình huấn luyện, Lữ đoàn vận dụng tốt các quan điểm, nguyên tắc, mối kết hợp và kinh nghiệm, cách đánh của Bộ đội Pháo binh; chú trọng huấn luyện thực hành, huấn luyện đêm, nâng cao khả năng cơ động, triển khai trận địa, ngụy trang và tăng cường rèn luyện thể lực để cán bộ, chiến sĩ đáp ứng với yêu cầu và cũng là truyền thống của Bộ đội Pháo binh “Chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng”.