Nghĩa tình nơi biên giới Việt - Lào

06:34 - Thứ Bảy, 20/05/2023 Lượt xem: 8590 In bài viết

ĐBP - 1. Từ trên cao nhìn xuống, bản Na Son, cụm bản Na Son (huyện Phôn Thoong, tỉnh Luông Pha Băng, nước CHDCND Lào) đẹp yên bình với những nếp nhà sàn, bãi mía, nương ngô; những thửa ruộng bậc thang.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang (Điện Biên) phối hợp Đại đội Biên phòng 126, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Luông Pha Băng (Lào) tuần tra song phương. Ảnh: Anh Dũng

Bản Na Son, cụm bản Na Son, huyện Phôn Thoong giáp biên giới với xã Mường Lói, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên). Đây là một trong những bản vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của nước bạn. Bản cách đường biên giới Việt Nam - Lào và Cửa khẩu Quốc gia Huổi Puốc khoảng 10km. Những năm qua người dân nơi đây luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Điện Biên, trực tiếp là Đồn biên phòng Cửa khẩu Huổi Puốc trong việc ổn cư và phát kinh tế trên tinh thần “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động. Trải qua gần 10 năm, với sự gắn bó, giúp đỡ của BĐBP và Nhân dân Điện Biên trong xoá đói giảm nghèo, giữ vững an ninh trật tự, đến nay bản Na Son đổi thay rõ rệt.

Hôm nay có BĐBP Đồn biên phòng cửa khẩu Huổi Puốc cùng lực lượng bảo vệ biên giới Lào đến thăm nên anh Bun Tha Vi Say Bun Khăm, Phó bản Na Son tạm gác lại việc đi nương để ở nhà đón khách. Anh Bun Tha Vi Say Bun Khăm thạo tiếng Việt. Trong câu chuyện anh Bun Tha Vi Say Bun Khăm chia sẻ: Bản, cụm bản giờ đây không còn hộ đói nữa, ngoài trồng lúa nương thì người dân đã biết khai hoang phục hoá, ngăn khe lấy nước cấy lúa, nuôi cá; bà con biết vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Có được kết quả này là nhờ công rất lớn của BĐBP Điện Biên. Bà con bản Na Son, cụm bản Na Son coi BĐBP Điện Biên như người thân trong gia đình. Các anh luôn có mặt đúng lúc: Tặng quần áo ấm khi mùa đông đến, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân trong bản; chăm lo cho các cháu đi học theo chương trình “Nâng bước em đến trường”. BĐBP còn ân cần hướng dẫn người dân cảnh giác với các loại tội phạm, nhờ đó bà con đã nhận thức rõ trách nhiệm trong việc bảo vệ, giữ vững chủ quyền biên giới. Còn điều gì quý giá hơn thế nữa. Đúng không! Việt - Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.

Anh Bun Tha Vi Say Bun Khăm dẫn chúng tôi tham quan các mô hình phát triển kinh tế của bản, vừa đi vừa kể cho chúng tôi nghe câu chuyện xoá đói giảm nghèo và những tình cảm ân tình, gắn bó quân và dân nơi biên giới hai nước Việt Nam - Lào.

Trong câu chuyện, Thượng tá Khuất Văn Tiến, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Huổi Puốc cho biết: Đơn vị đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác kết nghĩa giữa bản Na Chén của xã Mường Lói (huyện Điện Biên) với bản Na Son, cụm bản Na Son (huyện Phôn Thoong). Các hoạt động kết nghĩa bản - bản đã xây dựng tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt, giữa chính quyền, nhân dân và lực lượng bảo vệ biên giới của 2 bên. Từ đó người dân 2 bên biên giới cùng chung sức bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biên, cùng nhau phát triển, tiến bộ.

2. Một ngày trung tuần tháng Năm, chúng tôi trở lại bản Tân Phong 1, xã Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ), một “điểm sáng” trong thực hiện kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới Việt - Lào. Từ khi thực hiện kết nghĩa vào tháng 7/2014, những khó khăn, khúc mắc trong việc đi lại thăm thân, gặp gỡ giữa người dân bản Tân Phong 1 và bản Huổi Lả, cụm bản Nà Lầm (huyện Mường Mày, tỉnh Phoong Sa Ly, nước CHDCND Lào) đã được khắc phục triệt để. Việc lớn, việc nhỏ của bản Tân Phong 1 cũng là việc của bản Huổi Lả. Với những nội dung cụ thể, hoạt động kết nghĩa giữa hai bản Tân Phong 1 - Huổi Lả đã trở thành cầu nối tích cực, thiết thực. Với sự hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Si Pa Phìn, người dân Tân Phong 1 và Huổi Lả đã khai hoang, trồng trọt; áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất để từng bước tăng thu nhập và nâng cao đời sống. Không chỉ vận động kết nghĩa, hướng dẫn bà con cách làm ăn, BĐBP còn phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ủng hộ, giúp đỡ Nhân dân hai bên biên giới như khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí; xây dựng, tu sửa đường tuần tra biên giới, đường giao thông liên bản.

Ông Lò Văn Anh, Trưởng bản Tân Phong 1 chia sẻ những lời gan ruột: “Cùng uống chung nguồn nước, từ lâu người Lào ở Tân Phong 1 và Huổi Lả đã luôn coi nhau như anh em trong nhà. Nhờ có BĐBP mà tình cảm đó lại càng thêm thắm thiết hơn!”.

3. Thực hiện phong trào “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” giữa Việt Nam - Lào, gần 10 năm qua, BĐBP tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các đồn biên phòng có cặp bản giáp biên tổ chức nhiều đợt khám bệnh, cấp phát thuốc, trao tặng hàng trăm suất quà, chia sẻ vật chất hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh; đỡ đầu 7 học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực biên giới của nước bạn Lào có điều kiện học tập; hỗ trợ vật liệu xây dựng cho người dân và các đơn vị quân sự, biên phòng của Lào với số tiền gần 1 tỷ đồng. Thông qua các hoạt động kết nghĩa, tuyên truyền, nhận thức của người dân ở 108 bản giáp biên, 8 cặp bản kết nghĩa hai bên biên giới Việt - Lào đã có những chuyển biến rõ nét. Các cụm dân cư kết nghĩa đã đăng ký tự quản, bảo vệ hàng chục km đường biên, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc đấu tranh ngăn chặn tội phạm, đảm bảo an ninh biên giới.

Đại tá Lê Đức Nghĩa, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh Điện Biên cho biết: Trong thời gian tới, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động công tác đối ngoại biên phòng, phối hợp chặt chẽ với lực lượng bảo vệ biên giới phía bạn Lào quản lý vững chắc, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Phát huy hiệu quả hoạt động “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”, tổ chức các hoạt động giúp đỡ bà con Nhân dân 2 bên biên giới nâng cao đời sống vật chất tinh thần, vun đắp tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt, tạo sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hợp tác cùng phát triển.

Anh Khôi
Bình luận

Tin khác

Back To Top