ĐBP - Trước những diễn biến phức tạp, cực đoan của thời tiết, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã chủ động tham mưu, triển khai nhiều phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN). Qua đó góp phần giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo an toàn tính mạng về người và tài sản cho Nhân dân trên địa bàn.
Theo số liệu thống kê năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra các hình thái thiên tai đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân.
Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác PCTT & TKCN, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát, bổ sung kế hoạch công tác ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp với tình hình địa phương. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh về tính nguy hại của thiên tai, đặc biệt là nâng cao ý thức, trách nhiệm PCTT & TKCN. Trong năm 2022, Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức 26 lớp tập huấn cho 1.187 cán bộ, chiến sĩ về công tác TKCN, nâng cao phương pháp chỉ huy và điều hành của cán bộ kiêm nhiệm PCTT trong đơn vị. Phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra thực trạng các hồ đập, khu vực có nguy cơ xảy ra ngập úng, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đá… để tham mưu cho UBND tỉnh có biện pháp di dời Nhân dân đến khu vực an toàn (đã thực hiện di dời 53 hộ dân). Đồng thời, duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực cứu hộ cứu nạn, nắm chắc tình hình diễn biến của thời tiết trên địa bàn; thường xuyên củng cố trang thiết bị cứu hộ cứu nạn, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng phó khắc phục hậu quả khi có tình huống xảy ra.
Kết quả, năm 2022, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức 90 lượt cán bộ thường trực, 306 lượt dân quân tự vệ xuống địa bàn phối hợp với Nhân dân tham gia khắc phục hậu quả do thiên tai; phối hợp 504 lượt chiến sĩ công an, biên phòng, hàng nghìn lượt cán bộ ban, ngành, đoàn thể; huy động 2 máy xúc, 1 xuồng, 1 máy bơm khí tham gia khắc phục thiệt hại do giông lốc, sạt lở đất trên địa bàn. Chỉ đạo Ban CHQS các huyện, thị thành phố tham mưu cấp ủy chính quyền tổ chức diễn tập ứng phó bão lụt, và tìm kiếm cứu nạn cho 8 cơ sở với lực lượng tham gia trên 2.000 người; diễn tập ứng phó cháy rừng và TKCN cho 10 cơ sở, lực lượng tham trên 3.000 người.
Đại tá Nguyễn Xuân Trinh, Phó Tham mưu trưởng (Bộ CHQS tỉnh) cho biết: Trước những diễn biến khó lường của thời tiết, chịu ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia trong năm 2023 có khả năng xuất hiện 12 - 14 cơn bão mạnh và áp thấp nhiệt đới trên khu vực biển Đông, trong đó có 4 - 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền. Tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra giông lốc, mưa đá cục bộ tại 1 số địa phương gây thiệt hại về tài sản và hoa màu, ước tính thiệt hại khoảng 500 triệu đồng. LLVT tỉnh luôn phát huy phương châm “4 tại chỗ”: lực lượng - chỉ huy - phương tiện - hậu cần tại chỗ trong công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, thảm họa trên địa bàn. Chú trọng nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn theo hướng chuyên sâu, phù hợp với đặc điểm của đơn vị và địa bàn; tập trung huấn luyện cho các đối tượng làm nhiệm vụ kiêm nhiệm sử dụng thành thạo các phương tiện cứu hộ, cứu nạn được trang bị.
Trong thời gian tới, LLVT tỉnh tăng cường kiểm tra, rà soát doanh trại, kho tàng, công trình chiến đấu và các hoạt động của bộ đội. Phối hợp đơn vị liên quan kiểm tra các đập, hồ chứa nước, các tuyến kè, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, sạt lở đất, vùng nước sâu nước chảy xiết; bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn giao thông, chuẩn bị phương án di dời, sơ tán Nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Đồng thời tăng cường trao đổi hợp tác với Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh Luông Pha Băng, Phông Sa Ly (nước CHDCND Lào) về phối hợp tập huấn, huấn luyện, diễn tập ứng phó sự cố, thiên tai, TKCN.