Có thể khẳng định, các phong trào thi đua đã tạo khí thế, quyết tâm, động lực để cán bộ, chiến sĩ toàn quân vượt khó, hăng hái thi đua lập thành tích, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, tình trạng phát động thi đua rầm rộ, nội dung na ná nhau, ký kết hoành tráng nhưng thực chất thì “phát nhưng không động” vẫn tồn tại ở không ít cơ quan, đơn vị, gây lãng phí tiền của, thời gian, dẫn đến phản tác dụng thi đua. Cần giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng này?
Để làm tốt công tác thi đua-khen thưởng (TĐKT) và Phong trào Thi đua Quyết thắng, đội ngũ cán bộ các cấp ở các đơn vị đã nhận thức đúng vị trí, tầm quan trọng của công tác này. Từ đó, chủ động kiện toàn hội đồng (tổ) thi đua ở các cấp theo đúng cơ cấu, thành phần; bổ sung quy định, quy chế về công tác TĐKT và xây dựng kế hoạch, hướng dẫn hoạt động thi đua sát với đặc điểm nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị. Trách nhiệm của cấp ủy, người chủ trì đơn vị đối với hoạt động TĐKT được nâng lên; đội ngũ chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị các cấp phát huy tốt vai trò nòng cốt, chủ động tham mưu, đề xuất nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức; bảo đảm phong trào thi đua luôn được triển khai đồng bộ, đúng hướng, diễn ra sôi nổi, rộng khắp.
Tuy nhiên, thực tiễn quá trình triển khai hoạt động thi đua ở một số cơ quan, đơn vị trong một số thời điểm vẫn còn mang tính hình thức, nửa vời, phát động hoành tráng nhưng duy trì thi đua không thường xuyên, để phong trào rơi vào trầm lắng. Cá biệt có những cơ quan, đơn vị xác định chỉ tiêu, nội dung thi đua rập khuôn, máy móc, không sát với nhiệm vụ và khả năng thực hiện... Theo Thượng tá Nguyễn Ngọc Trìu, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 242 (Quân khu 3): “Việc tổ chức thi đua như vậy không những lãng phí tiền của, hạ thấp vị trí, vai trò công tác TĐKT mà còn giảm động lực, ý chí phấn đấu của cán bộ, chiến sĩ. Thường thì các đơn vị này sẽ có chất lượng thực hiện nhiệm vụ không cao”.
Khắc phục tình trạng trên, Đại tá Lê Văn Đang, Chính ủy Lữ đoàn 454 (Quân khu 3) cho rằng, khi phát động phong trào thi đua, các cơ quan, đơn vị cần xác định rõ chủ đề với nội dung, chỉ tiêu cụ thể, bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm, công việc đột xuất, quan trọng. Trong đó tập trung thi đua vào thực hiện tốt “3 khâu đột phá” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI; hướng đến khắc phục dứt điểm những khâu yếu, giải quyết việc khó trong công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, diễn tập, hội thi, hội thao... Quá trình thi đua phải phát huy tốt vai trò của hội đồng (tổ) thi đua trong duy trì nền nếp, chế độ kiểm tra, đánh giá kết quả hằng ngày, hằng tuần; kết hợp làm tốt công tác sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót.
Là đơn vị chủ lực và thường xuyên giữ lá cờ đầu trong thực hiện Phong trào Thi đua Quyết thắng của Quân khu 3, Đại tá Bùi Xuân Bình, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 395 chia sẻ kinh nghiệm: “Quan trọng nhất là phải phát huy được vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp trong tổ chức hoạt động thi đua. Điều này sẽ khắc phục được tư tưởng phó mặc, coi hoạt động thi đua là trách nhiệm của riêng cơ quan chính trị, cán bộ chính trị. Ngoài ra, phải gắn thi đua với khen thưởng; khi bình bầu khen thưởng cần khách quan, công tâm, đúng người, đúng việc; lấy kết quả thi đua là tiêu chí quan trọng hàng đầu để đánh giá năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên và chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị”.