Kinh tếĐiện & đời sống

Tiến tới trở thành doanh nghiệp số

09:10 - Thứ Hai, 14/02/2022 Lượt xem: 2077 In bài viết

ĐBP - Ông Trần Đức Dũng, Giám đốc Công ty Điện lực Điện Biên, Trưởng ban Chỉ đạo chuyển đổi số Công ty cho biết: Xác định xây dựng chính sách chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số là một trong những nội dung quan trọng, Công ty Điện lực Điện Biên đã hoạch định, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể. Từ đó, thực hiện số hóa trên mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh và đến năm 2025 sẽ trở thành doanh nghiệp số theo yêu cầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Với bước đi bài bản, cụ thể, Công ty Điện lực Điện Biên đã và đang thực hiện chuyển đổi số theo 2 lộ trình. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2022, Công ty triển khai xây dựng văn hoá số, chuyển đổi số tại một số hoạt động nghiệp vụ và xây dựng các nền tảng cơ bản phục vụ chuyển đổi số phù hợp với lộ trình chuyển đổi số của EVN. Giai đoạn 2023 - 2025, trên cơ sở đã triển khai ở giai đoạn 1, Công ty triển khai chuyển đổi số toàn diện hoạt động nghiệp vụ, nghiên cứu một số dịch vụ mới phục vụ nhu cầu sử dụng điện của khách hàng ngày càng cao và hiệu quả tốt nhất. Hiện nay, Công ty đã lựa chọn để triển khai thực hiện chuyển đổi số các lĩnh vực trọng tâm như: Đổi mới, cải tiến quy trình quản lý và vận hành hệ thống điện; thiết kế trải nghiệm nhằm thu hút ngày càng nhiều khách hàng tương tác trên các kênh kỹ thuật số, tăng cường phân tích để thấu hiểu khách hàng; cải tiến quy trình, tối ưu hóa hoạt động quản trị doanh nghiệp, tăng cường quản trị và ra quyết định dựa trên dữ liệu; xây dựng lực lượng lao động có hiểu biết, ý thức và kỹ năng kỹ thuật số; xây dựng hệ sinh thái số mạnh mẽ, linh hoạt, tăng cường tối đa các dịch vụ, dữ liệu dùng chung, tăng cường an ninh bảo mật.

Chuyển đổi số được Công ty Điện lực Điện Biên ứng dụng trong lĩnh vực tài chính kế toán.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Công ty Điện lực Điện Biên đã xây dựng kế hoạch và đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể. Trong đó lấy khách hàng làm trung tâm; cung cấp các dịch vụ trực tuyến, minh bạch; kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia; tự động hóa các quy trình nội bộ và với khách hàng, đối tác. Một trong những giải pháp đáng chú ý là triển khai thành công các ứng dụng dùng chung có tính liên kết, tích hợp của Tổng công ty theo lộ trình, đồng thời nghiên cứu xây dựng các phần mềm đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đơn vị. Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống giám sát tổng thể hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông dùng riêng làm công cụ nâng cao năng lực công tác tham mưu quản lý điều hành về ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ ở các cấp trong Công ty; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin các cấp.

Xác định chuyển đổi số trước hết cần chuyển đổi về nhận thức của cán bộ, lao động có hành động mới, cách làm mới từ đó giúp doanh nghiệp thay đổi cách thức vận hành, đem lại hiệu quả cao, Công ty đã tuyên truyền về chuyển đổi số bằng văn bản, bài viết trên website nội bộ của Công ty, Tổng Công ty. Đồng thời, phát động và khuyến khích CBCNV tham gia cuộc thi chuyển đổi số. Qua đó, các phòng, đơn vị đã tham gia hưởng ứng nhiệt tình với các chủ đề về chuyển đổi số như: Ý tưởng chuyển đổi số trên đồng nghiệp; thắp sáng cuộc sống số; chúng ta cùng chuyển đổi số; niềm tin cho một tương lai số. Ngoài ra, hiện nay Công ty đã và đang áp dụng chữ ký số đối với tất cả các loại hình văn bản đi, nội bộ, trừ một số văn bản bắt buộc ký bản giấy theo quy định. Đảm bảo không chỉ lãnh đạo, quản lý mà tất cả CBCNV đều được cấp chữ ký số để linh hoạt trong mọi công việc. Đặc biệt là tăng cường triển khai chuyển đổi hình thức họp tập trung sang hình thức họp trực tuyến (qua ứng dụng Zoom-meeting, Team-meeting, hội nghị truyền hình…) qua đó giảm chi phí, tiết kiệm thời gian.

Bài, ảnh: Đức Kiên
Bình luận
Back To Top