ĐBP - Thông qua các dự án hỗ trợ sản xuất từ các chương trình: 135/CP, 30a, Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… những năm qua đã có hàng trăm nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ con giống trâu, bò nhằm tạo sinh kế, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên một số địa phương do xây dựng kế hoạch, khảo sát thực tế chưa hợp lý, đặc biệt có nơi con giống chưa đảm bảo, không phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và tập quán sản xuất của người dân dẫn đến hiệu quả thấp, gây lãng phí nguồn kinh phí hỗ trợ.
Trong 3 năm (2017 - 2019), từ nguồn vốn các Chương trình 135/CP, 30a và hỗ trợ sinh kế, xã Na Son (huyện Điện Biên Đông) đã hỗ trợ 122 con bò giống lai cho các hộ dân và nhóm hộ nuôi theo hình thức xoay vòng. Với các hộ nghèo, đây là tài sản lớn, cũng là tư liệu sản xuất để vươn lên thoát nghèo. Nhưng sau một thời gian nhận bò về nuôi, không những bò không lớn mà ngày càng gầy đi, thậm chí một số con không thích ứng được với điều kiện chăn nuôi của người dân và khí hậu đã phát bệnh và chết. Tính đến thời điểm tháng 6/2020, trong tổng số 122 con bò đã hỗ trợ cho người dân, chỉ còn khoảng 10 con còn sống. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do cách thức chăn nuôi của người dân vùng cao không thích hợp với giống bò lai. Bên cạnh đó, chất lượng con giống khi cung ứng cho người dân chưa đảm bảo; công tác kiểm tra, cách ly, tiêm phòng dịch bệnh còn hạn chế.
Na Son chỉ là một trong nhiều địa bàn điển hình về việc hỗ trợ giống trâu, bò nhưng chưa phát huy được hiệu quả. Thông thường, trừ những con giống được mua trong địa bàn huyện, tỉnh còn lại đều phải được kiểm dịch, tiêm vắc xin phòng bệnh và cách ly trước khi đưa vào địa bàn. Trước khi giao giống đến người dân thì đơn vị cung ứng phải báo cho cơ quan thú y địa phương tiến hành kiểm dịch. Qua kiểm dịch nếu nghi ngờ con giống chứa mầm bệnh thì phải tiến hành nuôi nhốt từ 7 - 15 ngày để theo dõi rồi mới cấp phát cho dân. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều chương trình, dự án, nhất là trước đây khi doanh nghiệp cung ứng giống cho người dân thì việc tiêm phòng, cách ly chưa được thực hiện chặt chẽ. Cùng với đó xảy ra tình trạng khi xã nhận bò dự án giao, cán bộ thú y không hay biết. Đến khi trâu bò bị bệnh, người dân báo thì mới biết và tiến hành chữa trị. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ con giống chết cao.
Để tăng cường công tác quản lý nguồn giống vật nuôi, nhằm kiểm soát dịch bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế trong quá trình chăn nuôi, thời gian qua các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát các trường hợp sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi. Tổ chức cho hộ sản xuất, kinh doanh giống thực hiện ký cam kết không mua bán, vận chuyển con giống mắc bệnh, đưa từ vùng có dịch, không rõ nguồn gốc và phải công bố chỉ tiêu chất lượng con giống theo quy định trước khi xuất bán ra thị trường.
Trung tâm Khuyến nông và Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh Điện Biên là một trong những đơn vị chuyên cung ứng giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, trung tâm đã tăng cường công tác quản lý giống vật nuôi, trong đó chú trọng từ khâu nhập giống về chăm sóc, nuôi nhốt, tiêm phòng vắc xin… đảm bảo chất lượng con giống tốt nhất để cung ứng ra thị trường. Theo ông Mai Văn Nam, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh Điện Biên, để cung ứng giống trâu, bò đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, sau khi nhập giống trâu, bò về trung tâm chăm sóc tại trại chăn nuôi đảm bảo phát triển tốt, trọng lượng tăng nhanh, không nhiễm dịch bệnh rồi mới cung ứng ra thị trường cho người dân. Trong năm 2021, trung tâm đã cung ứng 61 con bò và 10 con trâu cho người dân trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, cung ứng cho Phòng Kinh tế TP. Điện Biên Phủ 4.445 con giống gà mía và 1.590 con gà giống cho người dân. Qua theo dõi, kiểm tra, cơ bản trâu, bò, gà giống đều sinh trưởng và phát triển tốt, không bị dịch bệnh.
Giống trâu, bò nói riêng và vật nuôi nói chung quyết định trực tiếp đến năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi. Vì vậy thời gian tới các tổ chức, cá nhân khi thực hiện các chương trình đưa giống vật nuôi vào địa bàn phải phối hợp với cơ quan thú y để thực hiện kiểm tra các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện đúng các quy trình kiểm tra, kiểm dịch con giống, tiêm phòng, hướng dẫn nuôi nhốt cách ly, chăm sóc, nuôi dưỡng trước khi cung ứng. Tăng cường kiểm soát việc vận chuyển con giống ra vào địa bàn tỉnh; yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết không vận chuyển con giống mắc bệnh, từ vùng có dịch bệnh, không rõ nguồn gốc về địa phương; xử lý nghiêm những trường hợp vận chuyển con giống không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Với các địa phương nơi tiếp nhận trâu, bò dự án cần kiểm tra, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân cung ứng con giống và đơn vị làm chủ đầu tư không tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh (kiểm dịch con giống tại nơi xuất phát, nơi đến) làm lây lan dịch bệnh vào địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Các ngành chức năng cần khuyến cáo và hướng dẫn người dân lựa chọn các loại giống vật nuôi có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đồng thời cung cấp thông tin về các cơ sở kinh doanh giống bảo đảm chất lượng để người dân lựa chọn.