Nậm Pồ tập trung phát triển chăn nuôi

08:18 - Thứ Hai, 14/02/2022 Lượt xem: 3396 In bài viết

ĐBP - Sau hơn 5 năm triển khai Nghị quyết “Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”, đến nay chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã đạt nhiều kết quả tích cực, đóng góp trên 40% giá trị sản xuất nông nghiệp toàn huyện.

Đàn gia súc của nông dân xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ.

Nhận thấy tiềm năng, thế mạnh để phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi gia súc lớn, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nậm Pồ khóa II đã ban hành Nghị quyết “Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”. Bám sát Nghị quyết, UBND huyện Nậm Pồ đã xây dựng Chương trình Hành động phát triển chăn nuôi của huyện theo từng giai đoạn; đồng thời tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền các xã, chỉ đạo, hướng dẫn người dân tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh về đất đai, tài nguyên, nhân lực để phát triển chăn nuôi. Huyện tập trung sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và nhiều nguồn vốn lồng ghép để đầu tư hỗ trợ người dân về con giống, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng các mô hình chăn nuôi hiệu quả để người dân học hỏi làm theo...

Có diện tích tự nhiên rộng, nhiều đồi, núi thấp lại có nguồn thức ăn dồi dào, Phìn Hồ là một trong những xã được huyện Nậm Pồ lựa chọn tập trung phát triển chăn nuôi gia súc trọng điểm. Triển khai nhiệm vụ này, Đảng bộ xã đã cụ thể hóa vào nghị quyết toàn khóa và xây dựng nghị quyết hàng năm. Cùng với đó UBND xã đã chủ động xây dựng chương trình hành động và các đề án phát triển chăn nuôi phù hợp. Trong đó, chú trọng xây dựng và phát triển Đề án Chuyển đổi chăn nuôi trâu, bò từ hình thức thả rông sang nuôi nhốt, trồng cỏ kết hợp giai đoạn 2020 - 2025. Ông Hồ Chử Dung, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phìn Hồ cho biết: Với Đề án này, xã đã tập trung khai thác và phát huy tốt ưu thế vùng gò đồi vào trồng cỏ chăn nuôi, phấn đấu đến năm 2025 sẽ trồng được 30ha cỏ. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân chuyển đổi chăn nuôi trâu, bò từ thả rông sang nuôi nhốt, từ nuôi nhỏ lẻ sang nuôi hàng hóa. Cùng với nguồn lao động dồi dào tại địa phương sẽ sớm hình thành vùng chăn nuôi trâu bò tập trung. Thực tế những năm qua cho thấy, chăn nuôi gia súc luôn chiếm một ưu thế lớn trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phù hợp với điều kiện văn hóa, xã hội và khí hậu thổ nhưỡng của địa phương. Các hộ gia đình trên địa bàn tập trung phát triển chăn nuôi, trồng cỏ voi chăn nuôi trâu bò, góp phần phát triển kinh tế gia đình và xóa đói giảm nghèo. Vì vậy, đàn trâu, bò trên địa bàn xã tăng nhanh, đạt gần 3.000 con.

Là một trong những người tiên phong trong chuyển đổi trồng trọt kém hiệu quả sang chăn nuôi gia súc từ nhiều năm trước, gia đình ông Mùa A Súa ở bản Sân Bay, xã Si Pa Phìn đã có cuộc sống ổn định với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Không chỉ vậy, gia đình ông còn là một trong những hộ đầu tiên gây dựng mô hình trang trại chăn nuôi trâu, bò tập trung trên địa bàn xã. Từ khi áp dụng hình thức chăn nuôi này, đàn trâu, bò của gia đình ông phát triển rất tốt, ít bị ảnh hưởng dịch bệnh. Ông Mùa A Súa cho biết: Được cán bộ xã, huyện xuống hướng dẫn, gia đình tự chăn nuôi, tự trồng cỏ, ủ rau, chúng tôi mới nghĩ lại phải làm như thế mới đảm bảo được con gia súc phát triển, ít bệnh, mình chăm gần nhà như thế này khi trâu, bò bị bệnh sẽ kịp thời báo thú y. So với chăn thả và nuôi như thế này thì trâu, bò phát triển nhiều hơn. 

Đến nay, tổng đàn gia súc của huyện Nâm Pồ đạt trên 70.000 con; gia cầm trên 170.000 con. Chăn nuôi của huyện Nậm Pồ đạt được nhiều kết quả tích cực, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc luôn ổn định bình quân trên 4%/năm, gia cầm đạt gần 7%/năm; diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc đạt gần 60ha; mỗi xã đã có từ 10 - 20 điểm chăn nuôi tập trung theo quy hoạch... Đó là tiền đề vững chắc để huyện tăng cường chỉ đạo các đơn vị chức năng và cấp ủy, chính quyền các xã tiếp tục thực hiện đúng quy hoạch vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cụ thể: Trâu, bò, ngựa sẽ nuôi tập trung ở các xã: Si Pa Phìn, Phìn Hồ, Chà Nưa, Nà Hỳ, Nà Bủng, Vàng Đán gắn với quy hoạch trồng cỏ; lợn, dê tại các xã: Chà Cang, Nậm Tin, Pa Tần, Na Cô Sa, Chà Nưa, Chà Tở; quy hoạch chăn nuôi gia cầm ở: Chà Tở, Nà Hỳ, Nậm Chua, Chà Nưa, Nậm Tin. Đồng thời, tiến hành quy hoạch vùng trồng cỏ tập trung; phát triển các dịch vụ hỗ trợ chăn nuôi, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Tiếp tục thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia; tìm kiếm thị trường ổn định, giúp người dân yên tâm phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, bền vững...

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận
Back To Top