Giúp hộ nghèo Nậm Pồ vươn lên

14:03 - Thứ Sáu, 18/02/2022 Lượt xem: 5466 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, các chính sách, chương trình dự án giảm nghèo được triển khai trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã từng bước tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề, tham gia thị trường lao động, các nguồn vốn vay ưu đãi... góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, từng bước xóa đói giảm nghèo…

Nông dân xã Vàng Đán, huyện Nậm Pồ chuyển đổi đất nương kém hiệu quả sang trồng sả lấy tinh dầu.

Hệ thống chính sách an sinh xã hội của Chính phủ đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nậm Pồ trong thời gian qua khá đầy đủ và toàn diện, bao quát các lĩnh vực đời sống. Bao gồm: Hỗ trợ tạo việc làm và giảm nghèo, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội và đảm bảo tiếp cận ở mức tối thiểu các dịch vụ xã hội (giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin). Trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện Nậm Pồ đã thực hiện đồng thời trên 40 chính sách; trong đó, giáo dục có khoảng 10 chính sách, y tế có 6 chính sách, nhà ở và điện có 5 chính sách, nước sạch và vệ sinh môi trường có 4 chính sách, hỗ trợ phát triển sản xuất 7 chính sách, giải quyết việc làm 5 chính sách...

Trên cơ sở nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia được giao hàng năm, UBND huyện Nậm Pồ chỉ đạo, tổ chức hỗ trợ nâng cao cơ hội tạo việc làm, tham gia thị trường lao động, chuyển đổi cơ cấu việc làm theo hướng đa dạng hóa sinh kế, giảm tỷ lệ thiếu việc làm, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện cuộc sống, góp phần ổn định xã hội cho người dân. Cụ thể, huyện tập trung triển khai chính sách về đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng lao động vùng dân tộc thiểu số. Tính đến 30/5/2021 huyện Nậm Pồ có 31.321 người trong độ tuổi lao động, trong đó 15.070 lao động nữ. Bình quân hàng năm, số người đến tuổi lao động tăng từ 1.200 - 1.400 người; số người thiếu việc làm chiếm tỷ lệ ít do ngành nghề chính là hoạt động sản xuất nông nghiệp, bình quân hàng năm dao động từ 150 - 250 người. Do đó, huyện luôn quan tâm chỉ đạo công tác phối hợp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm ở các công ty, doanh nghiệp ngoài tỉnh với gần 600 lao động tham gia học tập và làm việc sau các khóa đào tạo. Tổ chức tư vấn, giới thiệu cho 1.384 lượt lao động về thông tin thị trường lao động nước ngoài và chính sách xuất khẩu lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện hiện nay đạt 18,02%.

Cùng với đó, huyện tích cực triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo với trên 70 tỷ đồng từ nguồn vốn các chương trình, dự án, đề án... đã giúp cho nông dân chuyển dần tập quán sản xuất lạc hậu, phụ thuộc vào tự nhiên sang tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Ngay như vụ mùa 2021 vừa qua, huyện Nậm Pồ đã triển khai nhiều mô hình trình diễn áp dụng giống lúa thuần ADI 28, ADI 186, HDT10 trong sản xuất lúa tại một số địa phương và thu được kết quả khả quan. Trung bình thu nhập từ các mô hình trình diễn giống lúa thuần mới cao hơn giống lúa thuần cũ và giống địa phương từ 6 - 7 triệu đồng/ha. Không chỉ vậy, công tác thông tin truyền thông qua các buổi tập huấn, tham quan, hội thảo, mô hình trình diễn đã tạo chuyển biến tích cực cho người nông dân, giúp họ nhận thức tầm quan trọng của việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống mới có giá trị và năng suất cao vào sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích.

Không chỉ vậy, trong giai đoạn 2016 - 2020, thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nậm Pồ cho gần 10 nghìn lượt hộ nghèo vay số tiền trên 300 tỷ đồng, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống. Công tác thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng đã tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế phát triển và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân với 54 công trình về đường giao thông, nước sinh hoạt, chợ, nhà văn hóa... Công tác sắp xếp ổn định dân cư đã góp phần thiết thực trong việc ổn định đời sống và sản xuất của người dân. Giai đoạn 2016 - 2020 đã thực hiện giải ngân gần 39,5 tỷ đồng, thực hiện 11 công trình phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của người dân. Các chính sách khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư có tác động lớn đến cải thiện sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua khuyến khích họ tự phát triển sản xuất để vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng ỷ lại, góp phần thay đổi nhận thức, cách nghĩ cách làm, xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu qua đó góp phần nâng cao thu nhập…

Từ các hoạt động tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội trong lĩnh vực giải quyết việc làm, giảm nghèo và đảm bảo xã hội trên địa bàn huyện đã tác động và làm thay đổi đáng kể nông nghiệp, nông dân, nông thôn của huyện: Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất đạt 11,3%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 16,12 triệu đồng/năm (tăng 8,72 triệu đồng so với đầu năm 2016); tạo việc làm cho trên 300 lao động mỗi năm; tỷ lệ xã đạt chuẩn tiêu chí quốc gia về y tế từ 27% năm 2016 lên 73,3% năm 2020, trường đạt chuẩn quốc gia đạt 62,8%; 86,4% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 85% người dân được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh; các công trình phục vụ nhu cầu đi lại, học tập, sản xuất và sinh hoạt từng bước được đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa... Qua đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 72,09% đầu năm 2016 xuống còn 51,74% vào cuối năm 2020 và 48,43% vào năm 2021 (theo chuẩn nghèo đa chiều cũ). Bình quân mỗi năm, huyện Nậm Pồ có 600 - 700 hộ thoát nghèo. Tuy nhiên, số hộ nghèo phát sinh mới trong năm nhiều (chủ yếu do tách hộ), trung bình từ 200 - 300 hộ/năm, do đó tỷ lệ hộ nghèo chung của cả huyện vẫn ở mức cao. Vì vậy, huyện Nậm Pồ vẫn cần những chính sách, chương trình dự án hỗ trợ hiệu quả, phù hợp với hộ nghèo, hộ cận nghèo và điều kiện, đặc thù của địa phương, tạo điều kiện, cơ hội cho họ vươn lên, thoát nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận
Back To Top