ĐBP - Chúng tôi có dịp trở lại TX. Mường Lay đúng vào mùa nước lòng hồ thủy điện dâng; non xanh nước biếc, cảnh vật thật nên thơ hữu tình. Không chỉ mang lại vẻ đẹp về cảnh quan, môi trường; mỗi mùa nước dâng đã tạo kế sinh nhai bằng nghề thả lưới đánh bắt cá, tôm khu vực lòng hồ cho người dân nơi đây.
Gần 20 năm nay, bất kể trời mưa lạnh hay giá rét, vào mùa nước sông Đà dâng (từ tháng 9 năm trước, đến tháng 4 năm sau) anh Lù Văn Quốc, tổ dân phố 5, phường Sông Đà, TX. Mường Lay, lại bắt tay với việc thả lưới mưu sinh. May mắn cho chúng tôi vì hẹn từ chiều tối hôm trước và được anh Quốc đồng ý sáng hôm sau cùng đi thu lưới. Sáng mùa đông lạnh thấu da thịt, cảnh vật vẫn chìm trong lớp sương mù dày đặc. Như đã hẹn, đúng 5 giờ chúng tôi có mặt tại bến sông. Sau khi khởi động thuyền, không quên nhắc nhở chúng tôi ngồi cẩn thận, giữ thật chắc; anh Quốc điều khiển con thuyền rẽ nước ngược về phía thượng nguồn, đưa chúng tôi ra địa điểm mà chiều hôm trước anh đã thả lưới. Sau gần 30 phút chúng tôi đã có mặt tại địa điểm thả lưới, anh Quốc tắt máy để thuyền trôi tự do xuôi dòng và bắt đầu công việc thu lưới.
Anh Quốc chia sẻ: Tôi sinh ra và lớn lên trên quê hương Mường Lay. Năm 17 tuổi đã theo cha làm nghề thả lưới đánh bắt cá trên sông Đà. Ngày nay nghề thả lưới trên sông gần như hoàn toàn phụ thuộc vào may rủi, hôm nhiều, hôm ít, hôm về tay không là chuyện bình thường. Để tăng thêm vận may những người làm nghề thả lưới như chúng tôi buộc phải thả nhiều lưới ở nhiều địa điểm khác nhau. Tùy theo mùa, tùy từng loại cá mà chọn lưới và địa điểm thả khác nhau. Có loại phải dùng lưới mắt to, loại lại dùng lưới mắt nhỏ; có loại ăn gần bờ, loại ăn chỗ nước sâu… Hiểu được tập tính, cách kiếm ăn của từng loài cá thì năng suất đánh bắt sẽ cao hơn. Ngày trước chưa có điều kiện mua thuyền máy chỉ chèo thuyền bằng tay rất vất vả nhưng đổi lại cá đánh bắt được nhiều hơn và thường xuyên bắt được những con cá măng, cá mè, cá lăng trên 10kg; giờ đây may mắn lắm cả năm mới gặp được 1 con cá măng to tầm 8 - 9kg.
Hôm nay là một ngày kém may mắn với anh Quốc. Sau gần 2 giờ đồng thu hàng trăm mét lưới ở những địa điểm khác nhau nhưng chỉ thu về được 2 con cá chép (mỗi con gần 2kg). Hiện nay thả lưới là nghề mang lại thu nhập chính cho gia đình anh Quốc trong mỗi mùa nước dâng. Trung bình mỗi tháng gia đình anh thu từ 3 - 4 triệu đồng; giúp có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học.
Năm nay đã ngoài 60 tuổi nhưng ông Hoàng Văn Doi, bản Xá, phường Na Lay, hàng ngày vẫn cần mẫn với công việc thả rọ bắt tôm vùng lòng hồ. Ông Doi chia sẻ: Rọ tôm được đan từ cây nứa, hình tròn, dài khoảng 60cm và có 2 đầu. Đầu to gắn 2 cái tôi (cái nắp úp ngược để tôm vào không ra được) có đường kính khoảng 10cm, đầu nhỏ là nắp đóng, chỉ mở khi lấy tôm ra. Muốn bắt được nhiều tôm, trước khi thả rọ cần tạo mồi và chọn thời gian thả rọ cho hợp lí. Mồi tôm được làm bằng bột sắn trộn với cá con nấu nhừ, sau đó nắm thành từng nắm nhỏ. Để mồi không bị tan trong nước, cần trộn thêm xi măng, sau đó đem phơi khô, rồi cho vào rọ thả xuống nước. Các rọ được liên kết với nhau bằng các sợi dây thừng (loại bền, ít bị ngấm nước) để rọ không bị trôi mất, mỗi rọ cách nhau từ 2 - 3m. Thời gian thả rọ thích hợp nhất là từ 9 - 10 giờ sáng hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Đánh tôm tùy theo mùa và phụ thuộc vào mực nước hồ lên xuống. Trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 12, mực nước hồ sông Đà dâng cao, đánh được nhiều tôm hơn. Còn vào những thời điểm khác đánh được ít hơn. Như hôm nay, tôi thả 400 rọ thu về được 3kg tôm. Với giá bán trên thị trường hiện nay từ 120.000 - 150.000 đồng/kg, giúp gia đình tôi có thêm thu nhập.
Gia đình anh Điêu Văn Phòng ở phường Sông Đà có điều kiện hơn nên đã đầu tư làm vó bè để đánh bắt cá trên lòng hồ thủy điện. Với diện tích mặt vó từ 50 - 100m2, đầu tư ban đầu gần 10 triệu đồng (gồm cả đèn thắp sáng) gia đình anh Phòng đánh bắt thủy sản trên lòng hồ chủ yếu vào ban đêm; bằng cách thắp đèn chiếu sáng phía trên vó để dụ cá, hiệu quả không kém gì đánh bắt bằng lưới. Anh Phòng cho biết: Thời gian hạ vó bè tốt nhất bắt đầu từ 16 giờ - 17 giờ chiều hôm trước cho đến sáng hôm sau. Hiện nay, sản lượng cá ít, đánh bằng vó bè không còn bắt được các loại cá to như cá măng nữa mà chủ yếu bắt được cá tép dầu. Đêm nào nhiều cũng được từ 50 - 100kg cá. Nghề kéo vó bè tuy vất vả, đi về đêm hôm nhưng cũng đã góp phần tăng thu nhập ổn định cuộc sống cho gia đình.
Dẫu biết cuộc sống của những người dân vùng lòng hồ thủy điện còn nhiều khó khăn vất vả vì thiếu đất sản xuất. Nhưng đổi lại vào mùa nước dân việc đánh bắt tôm, cá trên vùng lòng hồ thủy điện đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Giúp người dân nơi đây cải thiện cuộc sống.