ĐBP - Chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu sản xuất ngành Nông nghiệp, lĩnh vực trồng trọt là nội dung quan trọng cần được tái cơ cấu mạnh mẽ, góp phần quyết định mức độ thành công của quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Sau gần 5 năm thực hiện, toàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy lĩnh vực này phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là nội dung quan trọng, cốt lõi trong tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt được các địa phương tập trung triển khai thực hiện. Trong đó, chuyển đổi linh hoạt đất lúa một vụ, hiệu quả thấp sang trồng các loại cây trồng hiệu quả kinh tế cao và thị trường tiêu thụ tốt, như: Cây ăn quả, chè, mắc ca, cây dược liệu, rừng sản xuất, ngô, đậu tương, cỏ voi, mía... Giai đoạn 2017 - 2020, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi hơn 2.755ha đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm kém hiệu quả sang các cây trồng khác. Trong đó chuyển đổi sang trồng cây hàng năm là 1.253,55ha (ngô, đậu tương, cỏ, mía, dứa, hoa, dong riềng, bí xanh), chuyển đổi sang trồng cây lâu năm 1.502,42ha (cây ăn quả, chè, mắc ca, cây dược liệu, rừng sản xuất). Quá trình tái cơ cấu trồng trọt, các địa phương đã gắn chuyển đổi cơ cấu cây trồng với việc tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn, bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Lúa chất lượng cao khoảng 8.000ha tại các huyện Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng, TP. Điện Biên Phủ; 9.000ha ngô tập trung tại Tuần Giáo, Tủa Chùa, Điện Biên, Điện Biên Đông; 230ha rau chuyên canh tại huyện Điện Biên…
Từ năm 2018 đến nay, huyện Mường Ảng đã phát huy lợi thế về đất đai để tập trung chuyển đổi cây hàng năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả và mắc ca. Hiện nay, huyện Mường Ảng có khoảng 380ha cây ăn quả trồng tập trung theo hướng liên kết sản xuất.
Ông Tạ Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: UBND huyện chủ trương triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng cây ăn quả tại một số xã có điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi như: thị trấn Mường Ảng và các xã Búng Lao, Ẳng Nưa, Ẳng Cang. Từ đó hình thành vùng cây ăn quả tập trung, từng bước thay đổi tư duy canh tác, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người dân. Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Mường Ảng tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận đồng người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND các xã, thị trấn triển khai hiệu quả các dự án liên kết theo từng nguồn vốn, chương trình mục tiêu; đồng thời thu hút các doanh nghiệp đầu tư các dự án trồng cây mắc ca trên địa bàn huyện.
Song song với việc chuyên đổi cơ cấu cây trồng, các địa phương cũng đặc biệt quan tâm đầu tư ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao trong trồng trọt. Hiện nay, tổng diện tích ứng dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp chứng nhận (VietGAP, hữu cơ, HACCP, UTZ...) trong trồng trọt đến năm 2020 là 1.531,5ha, gồm: 6,3ha rau được cấp giấy chứng nhận VietGAP; 87ha dứa, 10ha lúa, 1.318,47ha cà phê được chứng nhận UTZ; 70ha chè chứng nhận hữu cơ; 4,2ha rau an toàn trong nhà lưới... Ứng dụng thành công công nghệ nhân giống bằng nuôi cấy mô tế bào trong sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu, tảo xoắn, đông trùng hạ thảo.
Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu xay xát đạt 100%, trong khâu làm đất đạt 70%; khâu thu hoạch hơn 20%. Riêng đối với cây lúa nước, tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa trong làm đất là 68,21%, trong gieo cấy là 1,98%, trong thu hoạch 38,24%; tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa công nghệ cao trong chế biến là 3,13% diện tích. Nhiều kỹ thuật mới đã được chuyển giao và nhân rộng: Kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI khoảng 4.800ha/năm; quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và xử lý lúa lẫn áp dụng máy cấy: 220ha; cánh đồng một giống: 40ha, VietGAP đối với rau, cây ăn quả (dứa, lúa), hữu cơ (chè)...
Với những giải pháp đồng bộ, sau gần 5 năm triển khai thực hiện tái cơ cấu, sản xuất trồng trọt của tỉnh ta đã từng bước phát triển theo hướng hàng hóa, chất lượng, giá trị sản xuất năm 2020 đạt trên 2.430 tỷ đồng, tăng 1,52% so với năm 2017.