Mô hình tốt - cách làm hay

Hiệu quả bước đầu mô hình thâm canh cây mắc ca

06:25 - Thứ Sáu, 25/02/2022 Lượt xem: 3855 In bài viết

ĐBP - Từ nguồn vốn Khuyến nông Trung ương giai đoạn 2021 - 2023, Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng vật nuôi tỉnh Điện Biên phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu thương mại và đầu tư Phú Thịnh thực hiện dự án ‘’Xây dựng mô hình trồng thâm canh cây mắc ca bằng giống tiến bộ kỹ thuật (A16, A38, QN1, OC, 246) tại vùng Tây Bắc. Quy mô 15ha/2 điểm trình diễn, cho 20 hộ nông dân tham gia tại 2 xã: Mường Đăng (huyện Mường Ảng); xã Phu Luông (huyện Điện Biên). Trong quá trình triển khai mô hình, Trung tâm tổ chức 3 lớp tập huấn cho 80 hộ dân trong và ngoài mô hình.

Các hộ dân trao đổi thực địa tại hội nghị sơ kết đầu bờ.

Sau một năm triển khai mô hình, các hộ dân được tham quan trao đổi kinh nghiệm thực tế giữa các hộ đã trồng và các hộ dân có nhu cầu trồng để đánh giá những thuận lợi khó khăn trong quá trình thực hiện dự án. Kết quả bước đầu cho thấy tỷ lệ sống đạt 97%, chiều cao vút ngọn 1,2m; đường kính gốc đạt 1,7cm.

Cây mắc ca được xác định là cây đem lại giá trị kinh tế cao trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đặc biệt là phát triển bền vững ở đất dốc; góp phần giữ sự màu mỡ cho đất và giữ lại nguồn nước ngầm vốn đã bị bào mòn trong một thời gian dài. Đặc biệt việc đưa cây mắc ca trồng đáp ứng được nguyện vọng và nhu cầu của nông dân, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản của địa phương. Kết quả đánh giá bước đầu cho thấy: Điều kiện sinh thái của các xã trồng triển khai mô hình rất thích hợp cho cây mắc ca sinh trưởng. 

Kinh nghiệm từ quá trình triển khai chuyển giao mô hình trồng thâm canh mắc ca tại Mường Đăng và Phu Luông cho thấy, để có hiệu quả, thì nội dung đầu tư phải thực sự xuất phát từ nhu cầu của người dân, chính quyền địa phương nơi triển khai mô hình, có như vậy mới được chính quyền cơ sở đồng tình ủng hộ và có trách nhiệm với đơn vị triển khai. Các chính sách hỗ trợ của mô hình triển khai phải công khai minh bạch. Việc cấp phát cây giống, phân bón phải giao trực tiếp tới người dân thực hiện mô hình.

Cán bộ chỉ đạo mô hình thường xuyên theo dõi kiểm tra. Hướng dẫn các hộ chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại trên cây mắc ca. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật, kiểm tra giám sát tốt đã giúp nông dân nắm bắt và quan tâm áp dụng mô hình một cách hiệu quả. Tuy nhiên trong quá trình triển khai có những khó khăn vì cây mắc ca là cây dài ngày nên nông dân vẫn chưa mạnh dạn đầu tư và chưa hiểu rõ giá trị và lợi ích giá trị kinh tế sau này mang lại. Đặc biệt người dân luôn lo lắng đầu ra của sản phẩm, do đó đòi hỏi cán bộ khuyến nông tâm huyết thường xuyên chia sẻ với người dân.

Mô hình trồng cây mắc ca là hướng đi mới và cần thiết nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào canh tác, phù hợp với khí hậu của địa phương để nâng cao năng suất, sản lượng và hiệu quả sản xuất. Thông qua mô hình, nhằm tuyên truyền, khuyến khích các hộ dân học tập, nhân rộng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh có đầu tư, thâm canh theo hướng sản xuất hàng hóa nâng cao giá trị gia tăng, gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Hoàng Khắc Tân (Trung tâm KN - GCT, VN tỉnh)
Bình luận

Tin khác

Back To Top