Giá xăng dầu tăng ảnh hưởng lớn đến người dân, doanh nghiệp

09:49 - Thứ Bảy, 26/02/2022 Lượt xem: 5553 In bài viết

ĐBP - Từ đầu năm 2022 đến nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, các thành phần kinh tế vừa mới hoạt động trở lại theo trạng thái bình thường mới thì giá xăng, dầu liên tiếp có những phiên điều chỉnh tăng. Việc xăng, dầu tăng giá đã ảnh hưởng đến đời sống người dân, sự phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Người dân mua xăng tại cây xăng trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ.

Tính đến ngày 22/2, tại thị trường trong nước, giá xăng E5RON92 là 25.530 đồng/lít; xăng RON 95: 26.800 đồng/lít; dầu diesel: 20.800 đồng/lít; dầu hỏa: 19.500 đồng/lít; dầu mazut: 17.930 đồng/kg.

Ghi nhận tại một số cửa hàng kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ, sau đợt xăng dầu tăng giá lần thứ 3 kể từ thời điểm đầu năm 2022, nhiều khách hàng đã bày tỏ sự lo lắng.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh, phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ cho biết: Việc tăng giá xăng, dầu đã ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của gia đình tôi. Trước đây, tôi đổ 50.000 đồng tiền xăng cho xe máy đi được một tuần, bây giờ xăng tăng giá tôi phải trả 70.000 - 80.000 đồng/tuần tiền xăng xe. Như vậy, chi phí xăng xe của 2 vợ chồng tôi bị tăng thêm gần 300.000 đồng/tháng. Không những vậy, thời điểm này, các loại thực phẩm đã rục rịch tăng theo giá xăng. Sáng nay, tôi đi chợ mua thực phẩm hầu như những người bán hàng đều nói rằng giá xăng tăng khiến cho các chi phí vận chuyển tăng theo khiến giá thực phẩm  biến động. Không chỉ vậy, giá gas đun nấu hiện nay cũng hơn 500.000 đồng/bình 12kg, tăng gần 100.000 đồng so với tháng trước. Điều này gây ra không ít khó khăn trong cân đối chi tiêu của gia đình.

Xăng, dầu tăng giá đã tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp vận tải. Chưa kịp mừng khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát, các loại hình vận tải đang dần được nối lại thì việc giá xăng tăng cao nhất trong nhiều năm qua đã khiến các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh thêm khó khăn. Theo tính toán, giá xăng dầu chiếm khoảng 35 - 40% chi phí đầu vào của ngành vận tải nên khi giá xăng, dầu biến động tăng cao thì khoản chi phí này bị đội lên gấp 1,5 - 2 lần so với trước. Trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải đau đầu vì phải tính toán các phương án cân đối chi phí, thay đổi hình thức vận tải để không mất khách hàng và bù lỗ. Nhiều đơn vị hoạt động cầm chừng, nhiều xe đã phải nằm bãi vì không có khách, không có hàng để chạy. Không ít doanh nghiệp thậm chí đã tính đến chuyện bỏ tuyến, bán xe nhưng trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay, muốn bán xe cũng không dễ và phải bù khoản lỗ rất lớn.

Anh Lê Đình Dũng, chủ nhà xe Lê Dũng cho biết: Nhà xe Lê Dũng có 12 đầu xe chạy tuyến liên tỉnh. Hiện nay nhà xe mới hoạt động được 7 xe, còn 5 xe vẫn đang nằm ở bãi. Giá xăng dầu liên tiếp tăng cao khiến chúng tôi càng thêm khó khăn. Đơn cử như tuyến Điện Biên - Hà Tĩnh dài trên 700km/lượt, khi chưa tăng giá, chi phí xăng dầu khoảng 9 triệu đồng/2 chiều thì nay tăng lên khoảng 12 triệu đồng/2 chiều. Hoặc như tuyến Điện Biên - Hà Nội, chi phí xăng dầu cũng tăng từ 6 triệu đồng lên 7,5 triệu đồng/2 chiều. Trong khi lượng khách và hàng hóa đầu năm chưa có nhiều, giá vé lại không tăng; mỗi chuyến nhà xe phải bù chi phí xăng dầu từ 1,5 - 3 triệu đồng/đầu xe thì quá khó khăn đối với các doanh nghiệp vận tải.

Không chỉ các tuyến xe khách liên tỉnh, các nhà xe chạy tuyến nội tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn khi xăng dầu tăng giá. Ông Trung Quân, nhà xe Trung Quân cho biết: Nhà xe có 4 đầu xe chạy tuyến Điện Biên - Tủa Chùa. Hiện nay nhiều người rất hạn chế đi xe khách do vẫn e dè dịch bệnh, đồng thời mới đầu năm nên hoạt động sản xuất kinh doanh chưa sôi động nên lượng hàng hóa gửi cũng ít hơn. Do đó doanh thu mỗi chuyến rất thấp. Trong khi xăng dầu liên tục tăng giá, chí phí xăng dầu tăng thêm khoảng 30% so với trước đây. Phần chi phí này, nhà xe phải tự bỏ tiền để bù vào, khó khăn càng chồng chất khó khăn.

Giá xăng dầu tăng cũng gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng. Bởi vì xăng dầu tăng kéo theo chi phí vận tải, chi phí vật liệu tăng. Theo chia sẻ của một số công ty, đơn vị đang thi công các công trình xây dựng, giao thông trên địa bàn tỉnh, xăng dầu tăng giá khiến các đơn vị này gặp khó, bởi trên mỗi công trường thi công có hàng chục xe, máy các loại phục vụ thi công công trình, hàng ngày tiêu thụ lượng lớn xăng dầu. Trong khi đó, các hợp đồng đã ký kết từ thời điểm giá xăng dầu thấp.

Giá xăng, dầu tăng đã ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển và điều lo ngại nhất là hiệu ứng tăng giá dây chuyền tác động đến giá cả của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ trên thị trường và cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu. Để tránh tình trạng “tát nước theo mưa”, các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát chặt các phương án kê khai giá, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, tăng giá bất hợp lý nhằm thu lợi bất chính.

Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top