Hiệu quả chính sách hỗ trợ giống, phân bón cho người dân

08:23 - Thứ Hai, 28/02/2022 Lượt xem: 5243 In bài viết

ĐBP - Triển khai Quyết định số 45/2018/QĐ-UBND ngày 24/12/2018 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, từ năm 2019 đến nay huyện Tủa Chùa đã thực hiện hỗ trợ 9,2 tấn các giống lúa, ngô, khoai sọ tím; 5.565 cây giống chanh leo, su su; 5.826 cây giống mắc ca; 2.960 con giống vịt bầu; 0,2 tấn cá giống và 90 tấn phân bón các loại.

Việc hỗ trợ giống, phân bón theo Quyết định số 45 đối với các hộ gia đình, cá nhân tham gia thực hiện dự án liên kết thông qua cơ quan chủ trì liên kết (doanh nghiệp, HTX). Mặc dù vẫn còn những hạn chế, song bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế; nhiều dự án được nhân rộng, tăng về quy mô sản xuất, nhiều mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp được hình thành. Những liên kết sản xuất này đã góp phần tạo ra sản phẩm đặc trưng và nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp của huyện.

Xã viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mường Báng thu hoạch cá rô phi đơn tính.

Một trong những mô hình liên kết tiêu biểu là Dự án Liên kết nuôi, tiêu thụ cá rô phi đơn tính với quy mô 3ha tại 2 xã: Mường Báng và Mường Đun do Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mường Báng thực hiện. Triển khai từ năm 2019, đến nay sản phẩm cá rô phi đơn tính của Hợp tác xã duy trì liên kết sản xuất - tiêu thụ tốt với người dân. Cá thương phẩm của hợp tác xã đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và là lựa chọn hàng đầu tại các bếp ăn trường học và thị trường các huyện: Tuần Giáo, Điện Biên. Hiệu quả kinh tế của mô hình đạt 15 triệu đồng/1.000m2.

Bà Phạm Thị Út Mai, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mường Báng cho biết: Sau khi triển khai dự án điểm đạt hiệu quả cao, đến nay hợp tác xã đã thu hút được nhiều hộ dân tham gia và nhân rộng được mô hình. Bên cạnh việc hỗ trợ, giám sát các hộ nuôi cá, hợp tác xã đã tìm được đầu ra sản phẩm ổn định. Nhờ vậy dự án phát triển bền vững, tăng cả về quy mô và hiệu quả kinh tế.

Tương tự, dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa thương phẩm TBR 225 và Bắc Thơm số 7 có mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm nông nghiệp thông qua việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đảm bảo chất lượng đầu vào và tiêu thụ toàn bộ sản phẩm. Tham gia dự án có 333 hộ liên kết sản xuất và tiêu thụ với quy mô 52ha trên địa bàn thị trấn Tủa Chùa. Đơn vị chủ trì liên kết là Công ty TNHH Hương Linh cấp phát vật tư gồm: Giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Dự án liên kết giúp Công ty TNHH Hương Linh có vùng nguyên liệu ổn định, đảm bảo sản lượng và chất lượng hàng hóa cung cấp cho thị trường.

Việc hỗ trợ giống, phân bón thông qua các dự án liên kết giúp kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng giống, phân bón đầu vào, ngoài ra còn bảo tồn phát huy được thế mạnh của một số sản phẩm cây trồng có thế mạnh của địa phương. Đặc biệt là phù hợp với định hướng thị trường tiêu thụ, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng cho người sản xuất. Các liên kết tăng hiệu quả kinh tế hơn hẳn cho người dân so với sản xuất độc canh cây lúa, ngô địa phương truyền thống: năng suất cây trồng tăng từ 1,2 - 2 lần, các sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường và được các chủ trì liên kết bao tiêu ổn định.

Để chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp được tiếp tục phát huy hiệu quả, thời gian tới các địa phương và các cơ quan liên quan cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về mục tiêu, nội dung hỗ trợ của chính sách trong các dự án liên kết sản xuất. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án liên kết, định kỳ tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện; đặc biệt là công tác cung cấp giống, vật tư đầu vào của các dự án nhằm đảm bảo sản xuất hiệu quả, mang lại giá trị gia tăng cho người sản xuất.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top