Để phát triển chăn nuôi bền vững

06:14 - Thứ Sáu, 04/03/2022 Lượt xem: 7073 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, hầu hết các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, nhất là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trực tiếp sản xuất ra sản phẩm hàng hóa nhưng chưa có hợp đồng với các công ty, nhà cung cấp để tiêu thụ sản phẩm mà chủ yếu thông qua thương lái, trung gian. Thực tế này cộng thêm tình hình dịch bệnh nên thương lái đã ép giá sản phẩm chăn nuôi; giá nhiều mặt hàng bán tại nơi sản xuất thấp hơn nhiều so với giá bán lẻ trên thị trường. Để khắc phục tình trạng này, cơ quan quản lý Nhà nước cần phải có những giải pháp kịp thời.

Chị Đào Thị Phượng, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) chăm sóc đàn gia súc.

Những ngày qua, gia đình bà Đỗ Thị Vân, đội 8, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) lo lắng đầu ra cho đàn lợn thịt (hơn 10 con) đã đến ngày xuất chuồng nhưng giá lợn hơi xuống thấp. Theo bà Vân, thời điểm trước tết Nguyên đán 2022, giá bán lợn hơi xuất chuồng từ 60 - 65 nghìn đồng/kg. Nhưng thời điểm này, giá bán chỉ khoảng 50 nghìn đồng/kg, bán cũng lỗ mà không bán cũng lỗ. Vì nếu không bán thì hàng ngày phải gánh thêm chi phí thức ăn (giá thức ăn chăn nuôi tăng cao từ năm 2021 đến nay), trong khi lợn đến thời kỳ xuất chuồng, để quá lứa sẽ ảnh hưởng đến năng suất, tăng trưởng chậm, thậm chí trọng lượng giảm đi. Với giá lợn hơi như hiện nay sẽ không có lời, thậm chí lỗ vốn nếu tính cả công chăm sóc hoặc trong quá trình nuôi bị hao hụt.

Đối với những trang trại, gia trại cũng chịu tác động không kém. Gia đình chị Đào Thị Phượng, trung tâm xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) duy trì trại trâu, bò hơn 40 con đã nhiều năm nay. Tuy nhiên hiện nay trâu, bò không còn được giá như những năm trước nên chị chấp nhận chịu lỗ, bán bớt để thu hồi vốn. Chị Vân cho biết trâu, bò của gia đình chủ yếu xuất bán sang thị trường Trung Quốc và một số tiểu thương các tỉnh trong nước. Khoảng hơn 1 năm trở lại đây, trâu, bò xuống giá, thị trường tiêu thụ hạn chế, tư thương ép giá nên không có lãi. Nhiều hộ vì thua lỗ không dám đầu tư nuôi lại.

Chấp nhận lỗ để xuất bán, đó là tình cảnh chung của nhiều hộ chăn nuôi trong thời gian qua. Với những người chăn nuôi chủ động được con giống còn đỡ, còn những hộ không chủ động được con giống, thiếu vốn đầu tư càng thua lỗ nặng hơn. Một trong những nguyên nhân là do người chăn nuôi chưa liên kết để chủ động “đầu vào” và “đầu ra” của sản phẩm mà hoàn toàn phụ thuộc thương lái nên xảy ra nghịch lý người chăn nuôi liên tục thua lỗ vì giá xuất chuồng giảm còn người tiêu dùng chịu thiệt vì mua thực phẩm giá cao, được lợi nhất vẫn là khâu trung gian. Bên cạnh đó, trong quá trình chăn nuôi, người dân thường phát triển ồ ạt, chưa quan tâm đến thị trường, nhu cầu tiêu dùng nên có thời điểm “cung vượt cầu”.

Theo thống kê, đến hết năm 2021, tổng đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh hơn 4,5 triệu con. Toàn tỉnh hiện có trên 300 trang trại chăn nuôi hỗn hợp trâu, bò, dê; trong đó có gần 290 trang trại quy mô nhỏ, 18 trang trại quy mô vừa và hàng nghìn mô hình chăn nuôi gia trại hiệu quả. Tổng sản lượng thịt hơi khoảng 21 nghìn tấn/năm. Với nhiều lợi thế trong phát triển chăn nuôi, nhưng ngành chăn nuôi tỉnh chưa phát triển xứng tầm, vẫn còn tình trạng người chăn nuôi bị ép giá.

Để tránh tình trạng bị ép giá, việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm có vai trò rất quan trọng, giúp nâng cao lợi ích của các đối tượng tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt là đối với nông dân. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh có rất ít chuỗi liên kết trong chăn nuôi, hoặc nếu có nhưng chưa bài bản, đang ở giai đoạn đánh giá bước đầu, còn lại chủ yếu chăn nuôi tự phát. Được biết, năm 2018, UBND tỉnh phê duyệt 28 dự án liên kết, nhưng không có dự án liên kết trong chăn nuôi; năm 2019 có 48 dự án triển khai theo mô hình liên kết chuỗi, nhưng chỉ có 6 dự án về chăn nuôi… Nhiều mô hình liên kết trong chăn nuôi chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, khi dự án hết thì mô hình cũng tan rã.

Để đảm bảo cho người chăn nuôi có lãi, người tiêu dùng không phải mua giá cao, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành chức năng trong việc triển khai những chính sách hỗ trợ, quản lý hữu hiệu. Về lâu dài là thực hiện tái cơ cấu, tổ chức ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất gắn với hệ thống giết mổ, phân phối thực phẩm, sao cho người chăn nuôi tiếp cận được gần nhất với người tiêu dùng. Theo đó, chăn nuôi trang trại, chăn nuôi nông hộ phải cùng liên kết, tạo thuận lợi trong việc vừa mua được thức ăn giá rẻ, vừa bớt đi những đầu mối thu mua nhỏ lẻ, hạn chế tình trạng người chăn nuôi bị ép giá. Cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường cung cấp thông tin, dự báo về cung - cầu thực phẩm trong và ngoài nước, để người chăn nuôi có định hướng rõ ràng trong đầu tư, xác định quy mô và phân khúc thị trường phù hợp cho sản phẩm làm ra. Mặt khác, để hạn chế các khâu trung gian, ngoài những chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì người chăn nuôi cần phải tự tìm hiểu thị trường, hạ giá thành sản xuất; liên kết thành các tổ hợp sản xuất để chủ động tìm đối tác, ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến thực phẩm đảm bảo đầu ra mang tính bền vững.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top