Khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất vụ đông xuân

06:45 - Thứ Sáu, 04/03/2022 Lượt xem: 5312 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, sản xuất vụ đông xuân thường xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ tại một số địa phương, nhất là địa bàn vùng cao. Năm nay, vụ đông xuân được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn về nước. Do đó, ngay từ đầu vụ, các địa phương đã chủ động, linh hoạt giải pháp ứng phó, đảm bảo nước tưới cho cây trồng.

Bà Nguyễn Thị Lưu, bản Tân Phong, thị trấn Tủa Chùa chăm sóc rau màu trồng chuyển đổi trên diện tích đất trồng lúa thiếu nước sản xuất.

Mặc dù là một trong những bãi tưới chính của hồ Thủy lợi Sông Ún song do nằm ở vị trí cao hơn các bãi tưới khác, trong khi mực nước hồ luôn ở mức thấp nên nhiều năm nay hơn 30ha lúa đông xuân của người dân bản Tân Phong (thị trấn Tủa Chùa) luôn xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ. Năm nay, nhận thấy mực nước hồ Sông Ún tiếp tục ở mức thấp, nguy cơ cao thiếu nước sản xuất nên UBND thị trấn Tủa Chùa đã đưa hơn 30ha lúa ở bản Tân Phong ra khỏi kế hoạch sản xuất đông xuân. Đồng thời khuyến khích người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng có ít nhu cầu về nước hơn như ngô hoặc các loại rau màu.

Bà Nguyễn Thị Lưu, bản Tân Phong cho biết: Vụ đông xuân năm nào diện tích lúa của bản cũng bị thiếu nước. Cá biệt có năm người dân phải đắp từng đập dâng nhỏ tại các khe suối và dùng máy bơm mi ni bơm nước vào ruộng cho lúa. Năm nay, UBND thị trấn Tủa Chùa có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang ngô hoặc rau màu. Chủ trương này đã được người dân đồng thuận cao. Gia đình tôi có hơn 4.000m2 đất ruộng, tôi đã chuyển đổi hơn 2.000m2 để trồng các loại rau: Bắp cải, su hào, súp lơ, cà pháo và rau thơm. Diện tích còn lại tôi đang chuẩn bị làm đất, dự kiến trồng ngô để phục vụ chăn nuôi.

Để khắc phục tình trạng thiếu nước vụ đông xuân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa đã rà soát và tham mưu cho UBND huyện Tủa Chùa đưa những diện tích có nguy cơ thiếu nước trên địa bàn ra khỏi kế hoạch sản xuất vụ đông xuân, chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng ngắn ngày khác.

Bà Vũ Ngọc Ánh, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Trong điều kiện nguồn vốn hạn hẹp, không thể đầu tư xây dựng mới các công trình thủy lợi thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là giải pháp hữu hiệu nhất để khắc phục tình trạng thiếu nước. Vụ đông xuân năm nay, toàn huyện đã chuyển đổi được trên 60ha đất lúa nước sang trồng các loại cây trồng khác, trong đó: 30ha trồng cỏ voi phục vụ chăn nuôi và hơn 30ha trồng ngô, các loại rau màu. Đối với các công trình thủy lợi đang vận hành, khai thác, trước vụ đông xuân UBND huyện đã ưu tiên nguồn ngân sách huyện để sửa chữa. Đơn cử như UBND huyện đã bố trí hơn 2 tỷ đồng để sửa chữa, nạo vét lòng hồ Thủy lợi Tông Lệnh, qua đó đảm bảo nước tưới cho toàn bộ diện tích lúa khu vực thị trấn.

Nậm Pồ là huyện vùng cao, có nguy cơ thiếu nước sản xuất vụ đông xuân lớn nhất tỉnh. Để khắc phục tình trạng thiếu nước, năm nay huyện Nậm Pồ đã bố trí kinh phí nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi. UBND huyện chỉ đạo UBND các xã tổ chức rà soát, kiểm tra toàn bộ những diện tích trước khi tiến hành sản xuất lúa. Những diện tích có nguy cơ bị thiếu nước cần đưa ra khỏi kế hoạch sản xuất và chuyển đổi sang trồng cây trồng khác.

Ông Vũ Thanh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Pồ cho biết: Ngay sau khi kết thúc vụ mùa năm 2021, UBND huyện đã bố trí kinh phí nâng cấp, sửa chữa 3 công trình thủy lợi tại 3 xã: Chà Nưa, Nà Hỳ và Nà Khoa. Qua đó, diện tích bãi tưới tăng lên 8ha. Bên cạnh đó, UBND các xã vận động người dân tích cực khai hoang, phục hóa các bãi bồi ven khe suối để sản xuất lúa. Những chân ruộng cao, không đủ nước tưới đều được chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác. Đến nay, hơn 177,86ha lúa đông xuân tại 11/15 xã trên địa bàn huyện đều được đảm bảo nước tưới.

Ông Lê Văn Thi, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý thủy nông Điện Biên cho biết: Năm nay, tổng thể tích nước tại các hồ chứa thủy lợi bị thiếu hụt so với định mức khoảng 22 triệu mét khối, riêng hồ Pa Khoang thiếu khoảng hơn 2 triệu mét khối nước. Ngay từ đầu vụ, Công ty đã dự báo và nhận định sát tình hình nên đã chủ động xây dựng phương án để khắc phục tình trạng thiếu nước vụ đông xuân. Từ khi mở nước để làm đất, Công ty đã tổ chức tưới luân phiên từng vùng, từng khu vực và bãi tưới. Với cách làm đó, Công ty đã điều tiết đủ nước để phục vụ sản xuất vụ đông xuân. Để phòng trường hợp thời tiết khô hanh kéo dài dẫn đến tình trạng khô hạn cục bộ, Công ty đã chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị, máy móc và kế hoạch bố trí nhân lực, phấn đấu đảm bảo 100% diện tích bãi tưới không bị thiếu nước sản xuất vụ đông xuân.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top