Phát huy lợi thế phát triển cây ăn quả

08:27 - Thứ Hai, 07/03/2022 Lượt xem: 5891 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, cây ăn quả trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh không chỉ mở rộng về diện tích mà dần hình thành các vùng chuyên canh, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

Người dân xã Thanh Xương, huyện Điện Biên chăm sóc vườn thanh long.

Có điều kiện thuận lợi về đất đai, thủy lợi, khí hậu nhiệt đới đặc trưng vùng núi Tây Bắc, giao thông thuận lợi… nên huyện Điện Biên có diện tích trồng cây ăn quả lớn nhất tỉnh. Hiện nay toàn huyện có tổng diện tích cây ăn quả 1.185ha, chủ yếu là: Nhãn, vải, cây có múi (bưởi, cam), mít, xoài, thanh long, vú sữa, dứa, ổi, chuối… Trong đó có khoảng trên 200ha trồng tập trung theo quy mô trang trại, hiệu quả kinh tế cao như: Bưởi da xanh, bưởi Diễn (Noong Luống, Thanh Xương, Thanh Chăn, Thanh Yên, Sam Mứn) với diện tích trên 60ha; dứa (Mường Nhà) 54ha; vú sữa (Thanh Hưng, Thanh Luông) 22,5ha; thanh long (Thanh Xương) 21ha….

Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Thời gian tới, để phát huy tiềm năng, lợi thế, huyện đã và đang từng bước triển khai phát triển vùng trồng cây ăn quả chủ lực, đặc trưng như: Mở rộng diện tích trồng bưởi da xanh tại các xã lòng chảo lên hơn 80ha; mở rộng diện tích vùng trồng dứa tập trung Pu Lau - Mường Nhà trên 70ha; mở rộng diện tích trồng cây bơ tại xã Núa Ngam… Đồng thời phối hợp với các đơn vị có năng lực như: Công ty Rau quả Miền Bắc, Công ty Chế biến hoa quả Đồng Giao… thực hiện liên kết từ vật tư đầu vào, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả theo hướng hàng hóa tập trung và bền vững. Lộ trình giai đoạn 2021 - 2025 huyện dự kiến xây dựng trên 500ha cây ăn quả theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Mường Ảng là huyện có 95,28% diện tích là đất nông nghiệp, có khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng thích hợp để phát triển một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế. Do đó, bên cạnh phát triển cây trồng chủ lực là cà phê, từ năm 2018 đến nay huyện Mường Ảng đã tiến hành chuyển đổi một phần diện tích đất nương, vườn tạp và các loại đất trồng cây hàng năm khác sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế như: Bưởi da xanh, xoài Đài Loan, cam và chanh leo. Hiện nay toàn huyện có gần 400ha cây ăn quả; trong đó có 250ha được sản xuất liên kết theo chuỗi. Qua đánh giá ban đầu, những diện tích cây ăn quả đã cho thu hoạch đều mang lại hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân. Đã có một số doanh nghiệp như: Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng Quang Hà với quy mô đầu tư phát triển cây ăn quả công nghệ cao trên 200ha; Công ty TNHH xây dựng Bùi Gia Phát đang trong quá trình khảo sát, tích tụ đất đầu tư dự án trồng cây ăn quả tại 4 xã: Búng Lao, Ẳng Tở, Ngối Cáy, Mường Lạn với diện tích 1.500ha… Mục tiêu đến năm 2025 huyện Mường Ảng phấn đấu có 600ha cây ăn quả các loại.

Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 3.036ha cây ăn quả, diện tích cho thu hoạch là 1.945ha, sản lượng ước đạt 19.905 tấn. Cây ăn quả đã góp phần tăng thu nhập cho người dân song hiện nay diện tích vẫn chủ yếu là trồng phân tán trong vườn của các hộ gia đình (chiếm 73,6% tổng diện tích). Diện tích còn lại được hợp tác xã, doanh nghiệp trồng tập trung, quan tâm đầu tư chăm sóc nên năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn. Một hạn chế trong phát triển cây ăn quả là sản phẩm chủ yếu được sử dụng dưới dạng quả tươi, chưa được chế biến nên giá trị gia tăng chưa cao. Bên cạnh đó, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Mặc dù hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có một số liên kết sản xuất, bao tiêu quả tươi giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với người dân (xoài, bưởi, dứa) song còn nhiều hạn chế, chưa xứng với tiềm năng của địa phương.

Để phát triển cây ăn quả bền vững, trên cơ sở điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, lợi thế của từng địa phương, ngành Nông nghiệp tỉnh tập trung xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả, tạo vùng nguyên liệu phục vụ liên kết, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; kế hoạch sử dụng đất, xây dựng cơ sở hạ tầng tại vùng sản xuất cây ăn quả. Thực hiện lựa chọn, phát triển một số loại quả giá trị đầu tư thâm canh theo mô hình của Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Cùng với đó là xây dựng phương án chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả trên địa bàn.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top