ĐBP - Chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn huyện Mường Nhé thời gian qua phát triển tương đối nhanh về số lượng, tốc độ tăng trưởng cao nhờ người dân có truyền thống chăn nuôi lâu đời, diện tích bãi chăn thả rộng. Nhất là đã bước đầu hình thành mô hình chăn nuôi nhốt tại một số xã, như: Leng Su Sìn, Mường Nhé và Mường Toong. Vì vậy, huyện xác định đưa chăn nuôi trâu, bò trở thành một ngành sản xuất hàng hóa, chủ lực, từng bước cung cấp nhu cầu chăn nuôi trên địa bàn và các tỉnh lân cận.
Nhận thấy chăn nuôi trâu, bò đem lại lợi nhuận kinh tế cao, tại xã Mường Nhé hiện có 599 hộ chăn nuôi và 6 trang trại chăn nuôi trâu, bò theo quy mô nhỏ và vừa. Tận dụng diện tích đồng cỏ, sườn đồi rộng lớn hiện xã nuôi hơn 3.300 con trâu, bò. Xã Sín Thầu có 270 hộ nuôi trâu, bò và có tới 13 trang trại quy mô vừa và nhỏ chăn nuôi đại gia súc. Năm 2021 xã Sín Thầu xuất chuồng hơn 1.500 con trâu, bò; sản lượng thịt hơi xuất chuồng hơn 55 tấn… thu nhập từ chăn nuôi đã giúp người dân cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, do chăn nuôi chủ yếu theo hình thức nông hộ, quy mô nhỏ lẻ, thả rông và bán chăn thả gây khó khăn trong việc kiểm soát, phòng bệnh cho đàn gia súc. Bên cạnh đó công tác thông tin, dự báo thị trường giá sản phẩm trâu, bò giống; trâu, bò thương phẩm, thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt còn hạn chế đã ảnh hưởng đến tâm lý sản xuất, thu nhập người chăn nuôi. Huyện cũng chưa xây dựng được chuỗi sản xuất theo nhóm sản phẩm thịt trâu, bò từ sản xuất, liên kết sản xuất của các hộ, trang trại đến tiêu thụ sản phẩm nên giá trị kinh tế từ chăn nuôi trâu, bò chưa tương xứng với tiềm năng hiện có.
Diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Mường Nhé rộng trên 152.000ha; nhiều đồi, rừng, nguồn cỏ tự nhiên lớn, nguồn nhân lực lao động nông thôn dồi dào… là lợi thế để huyện đầu tư phát triển bền vững chăn nuôi trâu, bò. Chính vì vậy, huyện Mường Nhé tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn phát triển chăn nuôi trâu, bò theo hình thức chuyển dần từ chăn thả rông sang bán chăn thả và nuôi nhốt, tăng quy mô đầu con/hộ/trại, hình thành những trang trại quy mô lớn để tăng năng suất, chất lượng phù hợp; khuyến khích phát triển những trang trại điểm, trang trại mẫu để thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư vào liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm theo hướng an toàn sinh học từng bước theo hướng hữu cơ. Trong đó huyện xác định lấy doanh nghiệp làm đầu tàu để liên kết thúc đẩy phát triển và tạo chuỗi trong sản xuất, tiêu thụ, chế biến phát triển chăn nuôi trâu bò hiệu quả và bền vững. Ưu tiên nông hộ có điều kiện về vốn đầu tư, kiến thức, kỹ thuật và tâm huyết xây dựng đàn giống, đàn thương phẩm, sản xuất thức ăn chăn nuôi tạo chuỗi liên kết trong sản xuất, tiệu thụ sản phẩm. Khuyến khích người dân sử dụng một phần diện tích đồi, vườn, rừng hiện có để trồng cỏ, xen cỏ, phủ cỏ dưới tán rừng đồng thời thực hiện chuyển đổi một số diện tích đồi, vườn, rừng hiện có để trồng cỏ, xen cỏ, phủ cỏ dưới tán rừng để tăng lượng cỏ làm thức ăn hàng ngày; dự trữ thông qua chế biến để nuôi đàn trâu, bò hiện có theo hướng thâm canh... Mục tiêu huyện Mường Nhé đặt ra đến hết năm 2025 tổng đàn trâu, bò đạt 18.000 con trở lên; đàn trâu tăng bình quân 4,7%/năm, từ 10.700 con (năm 2021) lên 12.874 con vào năm 2025; sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2025 đạt 484,1 tấn. Đàn bò tăng bình quân 3,8%/năm, từ 5.150 con (năm 2021) lên 5.980 con (năm 2025); sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2025 đạt 287,9 tấn. Huyện phấn đấu đưa tỷ trọng chăn nuôi trâu, bò chiếm 43,7% giá trị sản xuất ngành chăn nuôi. Đồng thời thu hút từ 1 - 3 doanh nghiệp tham gia dự án “lõi” trong chăn nuôi trâu, bò theo hướng nuôi nhốt liên kết với hộ/trại để tạo chuỗi trong sản xuất, chế biến thức ăn tập trung; phát triển 400 nông hộ, trang trại chăn nuôi trâu, bò tham gia chuỗi/hợp tác xã, tổ hợp tác; đưa vào cải tạo, khai thác ít nhất 200ha đất trồng cỏ phục vụ chăn nuôi, đáp ứng khoảng 20% lượng thức ăn cung cấp từ trồng cỏ cho tổng đàn gia súc…
Để thực hiện được mục tiêu đó, huyện tập trung cải tạo giống trâu, bò qua việc tuyển chọn đàn trâu cái nền, trâu đực giống để nâng cao tầm vóc giống trâu địa phương; cải tạo đàn bò địa phương để phục vụ phát triển chăn nuôi bò thịt theo hướng hàng hóa. Sử dụng hiệu quả nguồn thức ăn sẵn có, phụ phẩm ngành trồng trọt, thu gom rơm rạ, thân cây ngô, sắn, lạc, cây họ đậu... để bổ sung, chế biến, dự trữ thức ăn cho gia súc. Chuyển giao kỹ thuật cho nông hộ, trang trại cách chế biến, bảo quản, dự trữ thức ăn cho gia súc (ủ chua cây thức ăn; ủ rơm urê, phơi khô…); đồng thời sử dụng nguồn thức ăn tinh (cám gạo, ngô, sắn) để bổ sung cho đàn gia súc nhằm tăng sức đề kháng, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó cán bộ chăn nuôi của huyện tích cực hướng dẫn người chăn nuôi cải tạo, nâp cấp, xây dựng chuồng trại đảm bảo phù hợp điều kiện nuôi bán chăn thả và nuôi nhốt cũng như nâng cao năng lực chẩn đoán, phát hiện bệnh, kiểm soát dịch bệnh của hệ thống thú y từ huyện đến cơ sở.