Tăng cường quản lý kinh doanh đa cấp

07:56 - Thứ Tư, 09/03/2022 Lượt xem: 4451 In bài viết

ĐBP - Kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật. Trên địa bàn tỉnh, bên cạnh số ít doanh nghiệp đa cấp hoạt động chân chính vẫn có một số đa cấp hoạt động biến tướng, tiềm ẩn nhiều rủi ro không chỉ đối với người tham gia hệ thống mà với cả khách hàng. Bởi vậy, để tăng hiệu quả quản lý kinh doanh đa cấp trên địa bàn thì hoạt động kinh doanh này phải được đăng ký hoạt động với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; đặc biệt là siết chặt quản lý hơn nữa đối với đa cấp biến tướng.

Chị Đặng Thị Mai Anh đại diện Công ty TNHH MTV NEW IMAGE Việt Nam tại Điện Biên (ngoài cùng bên trái) kiểm tra sản phẩm trước khi phân phối.

Nhận diện đa cấp chân chính

Công ty TNHH MTV NEW IMAGE Việt Nam tại Điện Biên có địa điểm hoạt động tại phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ. Đây là một trong số ít doanh nghiệp được Sở Công Thương xác nhận có hoạt động kinh doanh đa cấp theo Nghị định số 40/2018-CP của Chính phủ. Chị Đặng Thị Mai Anh, đại diện Công ty cho biết: Ban đầu chị là khách hàng của Công ty TNHH MTV NEW IMAGE Việt Nam, sau một thời gian chị đã quyết định trở thành đại diện của Công ty tại Điện Biên. Do đủ các điều kiện như: Vốn điều lệ, là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam và chưa từng bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, có hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới… chị Mai Anh đã được Sở Công Thương xác nhận có hoạt động kinh doanh theo quy định.

Đến hết năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 14 doanh nghiệp được Sở Công Thương xác nhận có hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp đang hoạt động theo Nghị định số 40/2018-CP của Chính phủ về Quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Cụ thể như: Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam có địa điểm hoạt động tại xã Thanh Luông, huyện Điện Biên từ tháng 4/2019; Công ty TNHH Thiên Sư Việt Nam có địa điểm hoạt động tại phường Mường Thanh từ tháng 5/2019, Công ty TNHH AMWAY Việt Nam địa điểm hoạt động tại phường Tân Thanh từ tháng 3/2019, Công ty TNHH Total Swiss Việt Nam địa điểm hoạt động tại phường Him Lam từ tháng 3/2021, Công ty TNHH Siberia Health Quốc tế có địa điểm hoạt động tại phường Mường Thanh từ tháng 6/2021… Năm 2021, toàn tỉnh có 3.335 người tham gia bán hàng đa cấp, trong đó, các doanh nghiệp đang được phép hoạt động có doanh thu hơn 34,9 tỷ đồng; trên 11,3 tỷ đồng hoa hồng và tiền thưởng trả cho nhà phân phối.

Thực tế hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp chân chính không xấu, nhiều người đã có thêm thu nhập ổn định cuộc sống, song để tránh những rủi ro, trước khi tham gia và mua sản phẩm người tham gia hệ thống bán hàng đa cấp và khách hàng cần phân biệt rõ mô hình bán hàng đa cấp chân chính và biến tướng. Trong đó, khác biệt cơ bản là công ty bán hàng đa cấp chân chính có bộ quy chuẩn đạo đức kinh doanh và được triển khai thực hiện, giám sát công khai, minh bạch, được Sở Công Thương xác nhận và có chính sách trả hàng với giá cả, điều khoản thanh toán rõ ràng, hàng hóa đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn của ngành chuyên môn.

Siết chặt quản lý đa cấp biến tướng

Thực tế trên địa bàn tỉnh cũng tồn tại một số hệ thống đa cấp bất chính hay còn gọi là biến tướng, “hình tháp ảo”. Trong đó, lợi nhuận không xuất phát từ giới thiệu sản phẩm mà là từ việc tuyển dụng các thành viên mới.

Bà Nguyễn Thị Thúy, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu và Mậu dịch biên giới (Sở Công Thương) cho biết: Những năm gần đây, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều biến tướng, trá hình, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng và người tham gia vào mạng lưới. Có nhiều hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Trong khi đó, hiện nay các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đều không có trụ sở trên địa bàn tỉnh vì vậy rất khó khăn trong công tác quản lý và kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp này. Ngoài ra, nhận thức của người tham gia bán hàng đa cấp còn hạn chế; mạng lưới người tham gia bán hàng này phân bố rải rác, không tập trung, gây khó khăn trong công tác kiểm tra và quản lý. Nhất là đến nay vẫn chưa có quy định chặt chẽ về đối tượng người bán hàng và người mua hàng (những người chỉ có nhu cầu mua sản phẩm để dùng). Để siết chặt quản lý bán hàng đa cấp nói chung, đặc biệt là đa cấp biến tướng, Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường quản lý theo dõi và giám sát chặt chẽ hoạt động của các đơn vị kinh doanh theo phương thức đa cấp. Từ đó, giải quyết kịp thời thông tin phản hồi về các hành vi hoạt động bán hàng đa cấp bất chính. Ngoài ra, đơn vị cũng đẩy mạnh công nghệ thông tin hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chính thống và nâng cao hiệu quả tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật bán hàng đa cấp.

Mới đây, Sở Công Thương đã xây dựng dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, dự thảo này đã tạm dừng ban hành do Bộ Công Thương đang tham mưu xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Do vậy, để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác quản lý hoạt động; đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp chân chính đang hoạt động theo quy định của pháp luật, Sở Công Thương đã kiến nghị Bộ Công Thương tham mưu Chính phủ bổ sung một số nội dung vào dự thảo Nghị định sửa đổi như: Điều kiện trình độ học vấn đối với người tham gia bán hàng đa cấp và bổ sung doanh nghiệp hoạt động kinh doanh này phải có địa điểm, trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện. Ngoài ra người đứng đầu của trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại địa phương nơi doanh nghiệp có hoạt động theo phương thức đa cấp phải có đầy đủ tư cách pháp nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top