Đẩy mạnh đưa hàng Việt lên vùng cao, biên giới

08:04 - Thứ Tư, 09/03/2022 Lượt xem: 3825 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, từ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là Cuộc vận động), hàng Việt ngày càng chiếm ưu thế trong lựa chọn tiêu dùng của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao trên địa bàn tỉnh. 

Xã viên Hợp tác xã Tâm Thiện trưng bày, giới thiệu sản phẩm gạo tại Gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm.

Ông Trịnh Huy Đông, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) cho biết: Những phiên chợ hàng Việt được tổ chức không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp thiết lập và phát triển hệ thống kênh phân phối hàng Việt Nam mà còn cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ đồng bào các dân tộc miền núi, biên giới. Tuy nhiên, trong 2 năm dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát trên địa bàn tỉnh, đến thời điểm hiện tại dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan nhanh tại nhiều địa phương trong tỉnh. Vì vậy việc tổ chức các sự kiện tập trung đông người gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch. Do đó, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh dừng tổ chức triển khai đề án “Tổ chức 3 phiên chợ hàng Việt tại các huyện Tủa Chùa, Nậm Pồ, Mường Nhé năm 2021” theo chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt trước đó.

Thông qua các phiên chợ hàng Việt về vùng cao, biên giới, đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sự phát triển của các doanh nghiệp. Cũng qua đó, chất lượng hàng Việt ngày càng được chú trọng, lợi ích của người tiêu dùng cũng từ đó được quan tâm, đảm bảo hơn. Ông Chu Văn Sử, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nậm Pồ cho biết: Thông qua các phiên chợ đưa hàng Việt về vùng cao thời gian qua, người tiêu dùng, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã dần hình thành thói quen, quan tâm lựa chọn, mua sắm hàng Việt, hàng hóa, sản phẩm của địa phương, tạo động lực sản xuất tại chỗ. Bà con nhân dân trên địa bàn rất háo hức, mong chờ được đến những phiên chợ hàng Việt. Tuy nhiên, năm 2021 mặc dù có kế hoạch tổ chức, song do dịch bệnh phải tạm dừng.

Để người tiêu dùng, đặc biệt là đồng bào các dân tộc vùng cao, biên giới có nhận thức sâu sắc hơn về sản phẩm trong nước, hướng đến sự cân nhắc, lựa chọn hàng Việt Nam chất lượng cao, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp với Sở Công Thương tổ chức hội nghị tuyên truyền về Cuộc vận động năm 2021 tại 5 điểm xã tại 4 huyện vùng cao, biên giới gồm: Điện Biên Đông, Điện Biên, Nậm Pồ và TP. Điện Biên Phủ. Ngoài ra, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để người tiêu dùng trong và ngoài nước biết, hiểu, đánh giá đúng chất lượng sản phẩm, hàng hóa; tiếp tục và vận động nhân dân tích cực sử dụng hàng Việt Nam. Trong công tác tuyên truyền, các thành viên Ban chỉ đạo Cuộc vận động tăng cường phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền lồng ghép cách lựa chọn hàng hóa, các tiêu chuẩn, chất lượng, giá cả các mặt hàng, sản phẩm do các đơn vị, doanh nghiệp của Việt Nam sản xuất, góp phần nâng cao nhận thức của người dân.

Bên cạnh đó, còn tích cực giới thiệu gương điển hình, các doanh nghiệp tham gia vào cuộc vận động, đưa tin của các đơn vị, đoàn thể thực hiện các chương trình “Đưa hàng Việt về vùng núi, vùng sâu, vùng xa”, các sản phẩm đạt danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao… nhằm phát triển thị trường, xây dựng văn hóa tiêu dùng dựa trên tinh thần yêu nước, ý chí tự tôn dân tộc. Để khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh, năm 2021, Sở Công Thương tổ chức thực hiện thành công 5 đề án khuyến công hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất và tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh.

Để tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động trong tình hình mới, vừa qua tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và ban hành Chỉ thị về về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Trọng tâm là đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa nội địa, sản phẩm OCOP; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử và các kênh thương mại hiện đại, kết hợp hài hòa với hoạt động thương mại, phân phối truyền thống, giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất; khuyến khích, động viên người tiêu dùng, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh ưu tiên sử dụng nguyên, vật liệu và các yếu tố đầu vào là các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ tại địa phương; hỗ trợ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất hàng hóa, dịch vụ; vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong tỉnh nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp, xây dựng thương hiệu sản phẩm cho địa phương; thực hiện hiệu quả chương trình đưa hàng Việt Nam, hàng sản xuất trong tỉnh về nông thôn, bản vùng cao, vùng biên giới. Đẩy mạnh thực hiện các chính sách khuyến công, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)…

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top