Nhiều mặt hàng tăng theo giá xăng dầu

08:12 - Thứ Tư, 09/03/2022 Lượt xem: 3789 In bài viết

ĐBP - Giá xăng dầu liên tục tăng cao trong những tháng đầu năm 2022, vượt mức 27.000 đồng/lít với xăng RON 95 (vùng II), hơn 22.000 đồng/lít đối với dầu diesel… đã tác động đến tất cả các mặt đời sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh. Giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu (rau, củ, quả, thịt) theo đó đã tăng vọt khiến người tiêu dùng, nhất là công nhân, lao động nghèo gặp nhiều khó khăn.

Theo các tiểu thương, giá xăng dầu tăng mạnh kéo theo chi phí vận chuyển cũng đội lên dẫn đến các mặt hàng tiêu dùng, đặc biệt là thực phẩm thiết yếu tăng theo. Khảo sát tại một số chợ trên địa bàn tỉnh, nhiều mặt hàng thiết yếu, như: Rau, củ, quả, thịt… tăng giá mạnh (trung bình từ 5 - 10 nghìn đồng/kg tùy loại rau, củ, quả).

Cùng với rau, củ quả, các mặt hàng hoa quả cũng ghi nhận mức tiêu thụ tăng hơn 20% so với các tuần trước đó, đặc biệt là với các loại quả cung cấp nước, vitamin giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể trong mùa dịch như: Bưởi, cam, dừa... Giá cả các loại quả này cũng tăng mạnh, cụ thể: Cam Cao Phong có giá từ 50 - 60 nghìn đồng/kg, tăng 10 nghìn đồng/kg; cam sành được bán với giá 45 - 50 nghìn đồng/kg, tăng 10 - 20 nghìn đồng/kg tùy loại; dừa tăng khoảng 10 nghìn đồng/quả...

Chị Nguyễn Thị Dung, phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ cho biết: Vài tuần gần đây, giá các mặt hàng thiết yếu ngoài chợ đều tăng giá rất nhanh. Chi phí đi chợ của tôi phải tăng lên từ 30.000 - 50.000 đồng. Tháng trước tôi đi chợ mua 15.000 đồng/kg bắp cải, nay ra chợ đã lên đến 20.000 đồng. Các loại rau như cải xanh, cải ngọt… cũng tăng từ 2.000 - 5.000 đồng/mớ. Giờ đi ra chợ là chóng mặt vì giá. Hỏi nguyên nhân thì người bán hàng giải thích xăng tăng, chi phí vận chuyển tăng, nên kéo theo giá các loại hoa quả tăng theo.

Việc giá xăng, dầu tăng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây nhiều khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Để thích ứng với điều kiện khó khăn hiện tại, nhiều hộ gia đình đã xây dựng kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm hợp lý và thay đổi một số thói quen hàng ngày như: Thường xuyên tự nấu ăn tại nhà; hạn chế sử dụng điện, gas, xăng xe; cắt giảm hoàn toàn các khoản ăn vặt, quần áo, mỹ phẩm, giày dép... Nhiều gia đình tìm đến các cửa hàng bình ổn giá, các siêu thị để được mua hàng khuyến mãi, giảm giá.

Anh Nguyễn Văn Hải, tài xế của hãng taxi Mai Linh cho hay, thời gian qua do ảnh hưởng dịch Covid-19 cộng với giá xăng dầu tăng cao, người dân hạn chế đi lại, nên doanh số và thu nhập của gia đình giảm mạnh. Với tổng mức thu nhập cả gia đình từ 12 - 14 triệu đồng/tháng, vợ chồng anh Hải phải tiết kiệm tối đa, bởi chỉ tính riêng khoản tiền thuê nhà, đóng học phí của hai con, tiền điện, nước, điện thoại, gas… đã chiếm tới 1/3 tổng số tiền lương. Chưa kể tiền ăn của cả gia đình hàng ngày và một số khoản chi phí phát sinh khác trong tháng. Với số tiền ít ỏi, gia đình anh phải tính toán chi li các khoản chi tiêu.

Có thể thấy, việc giá các mặt hàng thiết yếu tăng cao gây ra nhiều bất lợi cho người dân. Đặc biệt, giá xăng dầu có sự tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến hầu hết các mặt hàng trên thị trường do phát sinh chi phí vận tải hàng hóa. Theo nhận định của các cơ quan chức năng, ngoài những tác động theo quy luật hàng năm do trùng với thời điểm tết Nguyên đán, thị trường còn chịu áp lực bởi biến động tăng giá các mặt hàng năng lượng như xăng, dầu và gas.

Xăng dầu là mặt hàng đặc biệt nên sau mỗi kỳ điều chỉnh số tác động đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Tuy nhiên, nhiều năm qua có tình trạng ăn theo giá xăng dầu tăng để tăng giá dịch vụ, hàng hóa nhưng do chưa xử lý kịp thời nên cứ tái diễn. Vì vậy, người dân mong muốn các cơ quan quản lý Nhà nước sớm có cơ chế bình ổn giá để bảo đảm nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu và hạn chế việc biến động giá của những mặt hàng đặc biệt như xăng, dầu. Từ đó, người dân có điều kiện ổn định đời sống, vượt khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh suốt thời gian qua. Đồng thời, chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu phục vụ đời sống người dân, nhất là những mặt hàng có xu hướng tăng giá như xăng dầu, gas, vật liệu xây dựng... Trên cơ sở đó, tăng cường triển khai các giải pháp quản lý, điều hành giá để góp phần giữ ổn định giá cả thị trường, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu hàng hóa, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách để tăng giá bất hợp lý.

Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top