Tiêu thụ nông sản trong dịch bệnh

14:37 - Thứ Tư, 09/03/2022 Lượt xem: 6370 In bài viết

ĐBP - Thay vì chỉ bán lẻ ở chợ truyền thống, nhiều nông dân Điện Biên áp dụng công nghệ thông tin đưa nông sản lên mạng xã hội kết nối với người tiêu dùng, giúp việc tiêu thụ nông sản thuận lợi, nhất là khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.

Sau khi “chốt” đơn hàng online, nông dân xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên) dỡ khoai lang, phân loại đợi xe thương lái đến thu mua tại ruộng.

Trên cánh đồng xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên) những ngày này, nhiều lán bạt được dựng tạm trên các thửa ruộng; các gia đình tập trung nhân lực tích cực thu hoạch khoai lang. Anh Lò Văn Thịnh, bản Tông Khao, cho biết: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tôi cùng nhiều gia đình chuyển từ trồng lúa sang trồng khoai lang đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên cái khó nhất là khâu bảo quản vì sau thu hoạch thời gian bảo quản không dài, để lâu dễ mọc mầm, củ bị sâu, hà không sử dụng được. Vì vậy khi thu hoạch phải tìm được mối tiêu thụ sản phẩm nhanh nhất với số lượng nhiều. Rút kinh nghiệm từ vụ thu hoạch khoai lang năm trước, bước vào vụ thu hoạch này gia đình chúng tôi giao bán khoai lang trên các trang mạng xã hội, như: facebook, zalo; tham gia vào các hội, nhóm chợ online của Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Hà Nội và các tỉnh lân cận. Thường xuyên giao bán hàng trên các chợ online của một số tỉnh lân cận vì giá cước vận chuyển sẽ thấp hơn và nhận được sự tương tác rất lớn của người tiêu dùng và thương lái. Do đường sá xa xôi nên thương lái đề nghị tập trung hàng với số lượng lớn từ vài ba tấn mới đánh xe lên thu gom một lần. Vì vậy các gia đình trồng khoai lang đã thống nhất tập trung nhân lực thu hoạch để thuận tiện cho thương lái ngoài tỉnh tới thu mua. Anh Thịnh bảo, do đã hẹn ngày với thương lái ở Sơn La lên thu mua gia đình đã nhờ các bên nội, ngoại gần chục người vừa dỡ khoai vừa phân loại củ để tiện cho tư thương cân sỉ. Khoai sau khi thu hoạch phân loại để ngay tại ruộng, gia đình nào cũng dựng tạm lán để tranh thủ ăn, nghỉ trưa và tối phân người ở lại trông hàng. Anh Thịnh cho biết: Khoai lang vụ này được mùa và do mở rộng được thị trường tiêu thụ qua các chợ bán hàng online nên so với đầu vụ giá khoai cân sỉ đã tăng từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Hiện nay, bán đổ cho tư thương tại ruộng từ 10.000 - 12.000 đồng/kg (tùy từng loại). Năng suất khoai lang đạt hơn 3 tấn/1.000m2, sau hơn 5 tháng trồng đã thu được trên 30 triệu đồng. Nhờ “kênh” bán hàng online nên gia đình anh Thịnh cũng như nhiều hộ trồng khoai lang trên địa bàn xã Thanh Nưa đã không lo về “đầu ra” tiêu thụ nông sản như trước.

Cũng nhờ biết áp dụng công nghệ thông tin nên chị Lò Thị Hồng, xã Thanh Nưa đã tiếp cận hiệu quả từ các “kênh” bán hàng online. Chị Hồng tâm sự: Nhận thấy đồng đất Thanh Nưa rất thích hợp với khoai lang nên nhiều gia đình trong xã đều mở rộng diện tích trồng. Nhiều người trồng mà chỉ bán lẻ ở ven đường, bán trực tiếp ở các chợ truyền thống trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên thì lượng tiêu thụ không đáng kể. Vì vậy cùng với lượng khoai gia đình trồng được, chị đã thu mua cho người dân trong bản, trong xã với số lượng lớn rồi giao bán trên các chợ online trong và ngoài tỉnh. Tôi giới thiệu, đăng hình ảnh, video các loại nông sản trên mạng xã hội để khách hàng yên tâm lựa chọn; trực tiếp thỏa thuận giá và tiến hành giao dịch. Số lượng đơn hàng “chốt” mỗi ngày trên các chợ online nhiều, có ngày cao điểm lên tới vài ba tấn. Cước gửi hàng qua bưu điện phí rất cao nên chị Hồng đã thương lượng với khách gửi qua các xe ô tô vận tải hành khách liên huyện, liên tỉnh. Giá cước giảm được nhiều và thuận tiện hơn cho khách hàng mua với số lượng lớn. Chị Hồng bảo, giờ không chỉ bán hàng nông sản khoai lang của xã Thanh Nưa, khoai lang Thanh An chị cũng mua sỉ cho bà con theo đơn đặt hàng trên chợ online mà khách hàng chủ yếu ở ngoài tỉnh. Bán hàng có uy tín nên lượng khách hàng từ các tỉnh “chốt” đơn qua chợ online rất nhiều. Những ngày này chiều nào chị cũng có mặt tại Bến xe khách TP. Điện Biên Phủ để gửi hàng cho khách ở nhiều tỉnh, thành trong nước. Ngày cao điểm gửi khách hàng mua lẻ cũng lên tới tới cả tấn, chưa kể bán đổ cho thương lái.

Gia đình chị Lò Thị Hồng vận chuyển khoai lang ra Bến xe khách TP. Điện Biên Phủ gửi hàng cho khách ở trong và ngoài tỉnh qua các đơn “chốt” giao bán hàng trên mạng xã hội.

Sự phát triển và phủ sóng mạnh mẽ của công nghệ, bán hàng online qua mạng xã hội đang dần trở thành một “kênh” tiêu thụ nông sản hiệu quả cho nông dân. Sự nhạy bén trong khai thác lợi thế của ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp bà con giải tỏa phần nào áp lực trong khâu tiêu thụ sản phẩm và được xem là sự thích ứng cần thiết để tiêu thụ nông sản trong thời điểm dịch bệnh khó khăn như hiện nay. Thiết nghĩ, để thêm nhiều nông dân có thể bán hàng trên các trang mạng xã hội và tham gia các “kênh” thương mại điện tử thì các sở, ngành, địa phương cần có biện pháp hỗ trợ, kết nối để bà con đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm tăng tương tác với người tiêu dùng, “kéo gần” khoảng cách giữa người nông dân với khách hàng. Từ đó sẽ tránh được tình trạng bị thương lái ép giá hay lo cảnh “được mùa mất giá”, “giải cứu” nông sản.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top