Khắc phục diện tích lúa chết sau rét đậm rét hại

09:47 - Thứ Bảy, 12/03/2022 Lượt xem: 5849 In bài viết

ĐBP - Sau những ngày rét đậm, rét hại rồi nắng gắt, nhiều diện tích lúa mới tỉa giặm trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ bị úa vàng, không phát triển. Các hộ dân, các địa phương có lúa bị thiệt hại đang tìm cách khắc phục.

Anh Lò Văn Anh, bản Nà Cái, xã Nà Tấu phay ruộng lúa bị thiệt hại nặng do rét để gieo cấy lại.

Đã trung tuần tháng 3, thời điểm lẽ ra người nông dân thong thả thăm ruộng, chăm sóc lúa nhưng trên cánh đồng bản Nà Cái, xã Nà Tấu những ngày này lại tấp nập. Có nhà phay ruộng, nhà đang gieo, nhà khác đang cấy, nhà bón phân, nhà phun thuốc... Bởi gần một nửa diện tích ruộng tại đây bị thiệt hại, chết sau đợt rét đậm, rét hại nửa cuối tháng 2. Gia đình anh Lò Văn Anh, bản Nà Cái cũng đang xuống đồng. Chồng phay lại ruộng, vợ nhặt nhổ những cây lúa dù úa vàng nhưng có phần cao trội hơn so với những cây lúa còn sót lại trên ruộng.

Anh Lò Văn Anh chia sẻ: “Ở khu vực này gieo hơi muộn, sau tết mới tỉa giặm. Không lâu sau thì thời tiết chuyển rét đậm, nên gần 1.700m2 ruộng của gia đình tôi bị thiệt hại gần như hoàn toàn, khó mà phục hồi được. Bao công sức từ khi làm đất, bón phân, gieo, giặm, giờ phải phay hết ruộng lên, gieo lại. Vợ tôi vào khu vực lòng chảo Mường Thanh xin người ta cho tỉa những ruộng dày được gần 20 nắm lúa non, tiếc của nên nhặt thêm một ít cây nhỉnh hơn tại ruộng và vẫn phải ủ thêm hơn 30kg thóc giống. Tính toán chi phí tốn thêm để chăm bón, gieo lại với công làm chắc gần 5 triệu”. Số tiền này đối với gia đình thuần nông, phụ thuộc vào ruộng nương như gia đình anh Anh là không nhỏ.

Xã Mường Phăng cũng nhiều diện tích ruộng bị thiệt hại do rét. Vụ đông xuân 2021 - 2022, toàn xã có tổng diện tích gieo cấy 215ha. Sau đợt rét đậm, rét hại mới đây, xã bị thiệt hại 82,32ha, trong đó 51ha lúa chết trên 70%. Ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Với diện tích có lúa chết trên 70%, xã tuyên truyền người dân triển khai gieo cấy lại ngay để kịp thời vụ. Còn những ruộng lúa thiệt hại dưới 70%, vận động, hướng dẫn các hộ tích cực chăm bón, tỉa giặm để lúa phục hồi, tiếp tục phát triển. Nhiều năm rồi, tại địa bàn Mường Phăng mới xảy ra rét đậm, rét hại gây thiệt hại sản xuất nghiêm trọng như năm nay. Trước đó, có 2 lần là năm 2008, 2016 cũng từng bị thiệt hại tương tự. Chu kỳ rét không lặp lại, thời tiết diễn biến, thay đổi khó lường nên chúng tôi cần phải theo dõi sát sao tình hình, dự báo thời tiết để cảnh báo, hướng dẫn người dân, hạn chế thấp nhất xảy ra thiệt hại như năm nay”.

Khi tiếp nhận thông tin nhiều diện tích lúa chết, Phòng Kinh tế TP. Điện Biên Phủ và Trung tâm Dịch vụ kinh tế tổng hợp thành phố đã cử cán bộ đi kiểm tra thực tế, cùng xã, bản và hộ dân thống kê diện tích theo mức độ thiệt hại. Đồng thời hướng dẫn cách khắc phục thiệt hại, đảm bảo mùa vụ. Theo đó, vụ mùa năm nay, toàn thành phố gieo cấy hơn 1.070ha. Thời tiết cực đoan cuối tháng 2 đã khiến hơn 200ha lúa bị thiệt hại, tập trung ở 3 xã Nà Tấu, Mường Phăng, Nà Nhạn. Trong đó Nà Tấu, Mường Phăng thiệt hại nặng hơn, mức độ ảnh hưởng (từ 30 - 70% và trên 70% lúa chết) vẫn đang được thống kê, đánh giá cụ thể. Cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền các xã tiếp tục rà soát lại; lãnh đạo xã cùng các hội đoàn thể vào cuộc rà soát tổng hợp đúng thực tế, để có cơ sở thực hiện chính sách của Trung ương và địa phương về hỗ trợ sản xuất (diện tích bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh) hiệu quả, đúng đối tượng.

Bà Trần Thị Mai, Trưởng phòng Kinh tế TP. Điện Biên Phủ cho biết: Bộ phận chuyên môn đã xuống địa bàn kiểm tra thực tế và xác định rõ nguyên nhân khiến nhiều diện tích lúa bị chết. Có các lý do chính là thời tiết rét đậm, rét hại; một số khu vực gieo muộn, không đúng khung thời vụ. Ngoài ra nhiều hộ dân chủ quan, không thăm đồng thường xuyên, chăm sóc lúa không đúng kỹ thuật, để ruộng khô nứt nẻ. Như tại khu vực ruộng bản Lọong Luông, xã Mường Phăng rộng khoảng 30ha bị thiệt hại gần như hoàn toàn, chân ruộng khô nứt, trong khi hồ Lọong Luông gần đó vẫn có thể đáp ứng nguồn nước phục vụ tưới tiêu. Bởi vậy một phần nguyên nhân do người dân quen tập tục canh tác cũ, gieo cấy muộn so với khung thời vụ, không thường xuyên thăm nom, lấy nước cho đồng ruộng. Khi rét đậm xảy ra, cây lúa còn non, mới tỉa giặm không kịp thích nghi.

Thay đổi thói quen sản xuất, nâng cao trình độ canh tác cho người dân là giải pháp lâu dài, cần được quan tâm. Nhưng trước mắt, với diện tích thiệt hại từ 70% trở lên, phòng chuyên môn phối hợp với chính quyền xã chỉ đạo người dân gieo lại, hướng dẫn người dân bón thúc, chăm bón tốt theo từng giai đoạn phát triển của cây lúa. “Xác định những diện tích này sẽ chín muộn. Để kịp thời gian vụ tới (vụ mùa 2022), sau khi thu hoạch, đôn đốc người dân nhanh chóng làm đất, gieo sớm tại một khu vực để lấy mạ cấy chứ không gieo vãi như mọi năm. Còn các ruộng thiệt hại thấp, tuyên truyền người dân xin mạ còn sót lại của các ruộng thiệt hại nặng và các ruộng khác cấy lại, tỉa giặm. Đồng thời làm cỏ, bón phân chuồng hoai mục để tăng đề kháng cho cây hồi phục, cứng cáp, rồi mới chăm bằng các loại phân bón hóa học” - bà Trần Thị Mai cho biết thêm.

Một mùa vụ diễn ra không mấy suôn sẻ. Nhưng nếu chính quyền địa phương cùng người nông dân tiếp tục tích cực chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa, đồng thời học hỏi, nâng cao kiến thức, kỹ thuật trồng trọt, thì các diện tích ruộng bị thiệt hại vẫn có thể phục hồi, phát triển.

Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top