Hàng Việt ở xã vùng cao Xá Nhè

10:11 - Thứ Bảy, 12/03/2022 Lượt xem: 6376 In bài viết

ĐBP - Với hơn 65,3% hộ nghèo, đời sống của bà con dân tộc xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa còn rất nhiều khó khăn, vất vả. Do đó, nhu cầu được sử dụng những sản phẩm giá cả phải chăng, chất lượng đảm bảo là mong muốn của người dân nơi đây. Với ưu điểm giá thành rẻ, chất lượng đảm bảo, những năm gần đây, các mặt hàng tiêu dùng do Việt Nam sản xuất đang ngày càng được người dân xã Xá Nhè ưu tiên lựa chọn.

Người dân chọn mua hàng tại cửa hàng tạp hóa khu vực trung tâm xã Xá Nhè.

Dù là xã đặc biệt khó khăn của huyện Tủa Chùa, nhưng với vị trí địa lý khá thuận lợi, nằm trên tuyến đường ngã ba dẫn đi các xã phía nam, như: Mường Đun, Tủa Thàng, Huổi Só nên Xá Nhè có khá nhiều hộ phát triển dịch vụ kinh doanh buôn bán. Ông Giàng A Ninh, Phó Chủ tịch UBND xã Xá Nhè cho biết: Hiện tại, toàn xã có 46 hộ đăng ký kinh doanh bán hàng tiêu dùng, bách hóa, đồ điện tử... ở 12 thôn, bản trên địa bàn xã. Thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ngoài khuyến khích các cửa hàng buôn bán hàng tạp hóa tăng nhập hàng Việt Nam, xã còn chú trọng tuyên truyền qua băng zôn, khẩu hiệu, loa đài, lồng ghép vào các cuộc họp bản nhằm thay đổi thói quen mua sắm của bà con, kích cầu sản phẩm trong nước. Đồng thời, khuyến cáo người dân khi mua hàng cần chú ý các dòng chữ ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ, tránh hàng giả, hàng nhái.

Qua khảo sát một số cửa hàng bách hóa tại khu vực trung tâm xã Xá Nhè cho thấy, hàng Việt Nam càng thể hiện rõ ưu thế, khi trên các quầy, các kệ hàng phần lớn là các mặt hàng do doanh nghiệp trong nước sản xuất với mẫu mã, chủng loại khá phong phú, đa dạng, như: Giầy dép, quần áo, vải, bột giặt, nước mắm, mì chính, dầu ăn, mì ăn liền, giấy vở học sinh, đồ nhựa, các sản phẩm đồ uống, sữa...

Với kinh nghiệm hơn 20 năm buôn bán hàng tạp hóa ở xã, cô Vũ Thị Trường, chủ cửa hàng tạp hóa tại trung tâm xã Xá Nhè, cho biết: Trước đây hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc luôn là lựa chọn của khá nhiều người dân trên địa bàn. Nguyên nhân là do hàng Trung Quốc thường có nguồn cung dồi dào, giá thành lại rẻ, mẫu mã đa dạng, phong phú. Trong khi đó, mặt hàng được sản xuất trong nước thường có giá thành cao hơn, nguồn cung hạn chế, chủng loại và và mẫu mã cũng không được phong phú như các mặt hàng Trung Quốc. Chính điều này đã gây nên tâm lý “sính hàng Tàu” của những người dân có thu nhập thấp. Cũng bởi vậy, mấy năm trước, hàng Việt Nam rất ít, chỉ chiếm không quá 40%. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, hàng Việt Nam ngày càng đa dạng, phong phú, chất lượng đảm bảo, giá lại phải chăng, phù hợp với túi tiền của người dân vùng sâu, vùng xa nên mức tiêu thụ ngày một tăng lên. Hiện tại những mặt hàng tôi nhập về bán có khoảng 90% là hàng được sản xuất trong nước, chỉ còn một số ít mặt hàng giày dép có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Mục sở thị một quầy hàng tạp hóa khác tại trung tâm xã, chúng tôi nhận thấy đa số người dân đến mua hàng đã biết quan tâm hơn đến chất lượng, mẫu mã sản phẩm; thậm chí có người chỉ tìm mua những nhãn hiệu hàng Việt được quảng cáo trên ti vi, có ghi nơi xuất xứ, ngày sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng, chứ không ham rẻ mua đồ không có nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng như trước.

Vừa cầm chai dầu ăn nhãn hiệu Neptune trên tay vừa tỉ mẩn xem hạn sử dụng, anh Mùa A Vảng, thôn Sín Sủ chia sẻ: Trước đây khi đi mua sắm, tôi chỉ quan tâm đến giá cả sản phẩm, loại nào rẻ hơn thì mua nên việc mua phải hàng kém chất lượng là điều không tránh khỏi. Ví dụ như trước đây tôi thường hay mua loại dầu ăn được đóng trong túi ni lông, không có nhãn hiệu, không có ngày sử dụng, giá lại rất rẻ, chỉ từ 10.000 - 15.000 đồng/túi, không biết chất lượng thế nào nhưng khi sử dụng dầu có mùi rất hôi. Bây giờ được nghe tuyên truyền nhiều nên tôi cũng chú ý hơn đến những mặt hàng được sản xuất trong nước, có nhãn hiệu rõ ràng, chất lượng cũng đảm bảo hơn.

Còn theo chị Vàng Thị Sú, thôn Pàng Dề B, hàng hóa sản xuất trong nước ngày càng được nhiều người dân trên địa bàn xã ưu tiên lựa chọn. Trước hết là bởi hầu hết các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn xã chủ yếu nhập hàng Việt về bán, bên cạnh đó, người dân nhờ được tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng như xem trên ti vi hay nghe đài nên cũng chú ý hơn đến những mặt hàng được sản xuất trong nước. Giờ đây, không chỉ là mua được hàng có giả cả phải chăng mà người dân còn quan tâm đến cả chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm.

Cũng theo ông Giàng A Ninh, Phó Chủ tịch UBND xã Xá Nhè, việc chiếm được lòng tin của người tiêu dùng được xem là lợi thế lớn nhất cho hàng Việt cạnh tranh không chỉ riêng trên thị trường ở xã Xá Nhè mà còn ở các địa bàn khác nói chung. Vì vậy, để hàng Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường được lâu dài và bền vững, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá hàng Việt thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các hội chợ thương mại được tổ chức tại xã. Đồng thời các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm định chất lượng hàng hóa để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Qua đó thúc đẩy tiêu thụ hàng sản xuất trong nước, tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn xã có cơ hội mua sắm hàng hóa bảo đảm chất lượng, giá thành phù hợp với thu nhập của người dân vùng sâu, vùng xa.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận

Tin khác

Back To Top