Sản xuất rau an toàn theo hướng GAP

08:11 - Thứ Hai, 14/03/2022 Lượt xem: 6877 In bài viết

ĐBP - Sản xuất rau an toàn (RAT) đang là một trong những hướng phát triển của ngành Nông nghiệp tỉnh. Thời gian qua, Chi cục Bảo vệ thực vật đã triển khai nhiều mô hình sản xuất RAT theo hướng GAP. Sau một thời gian triển khai, những mô hình này đã từng bước khẳng định tính ưu việt, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và mở ra hướng canh tác mới cho nông dân.

Người dân thôn A1, xã Noong Luống (huyện Điện Biên) chăm sóc rau màu sản xuất theo quy trình GAP cơ bản.

Mô hình sản xuất RAT theo GAP cơ bản được triển khai từ vụ thu đông năm 2019 với diện tích thực hiện là 1,2ha với 4 hộ, đội 13, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên tham gia. Tham gia mô hình, các hộ đã thành lập tổ hợp tác liên kết trồng rau sạch tại xã. Sau hơn 2 năm hoạt động, tổ hợp tác đã tạo thu nhập ổn định cho 15 gia đình phụ nữ tại địa phương. Chị Hà Thị Hiền, đại diện Tổ hợp tác liên kết trồng rau sạch xã Thanh Luông cho biết: Trước đây, người dân trên địa bàn chủ yếu trồng rau dựa theo kinh nghiệm nên năng suất, chất lượng không cao. Sau khi tham gia mô hình GAP, tôi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh nên năng suất, sản lượng cao hơn, quả đều, đẹp nên giá bán cũng cao hơn. Sau 3 tháng thực hiện mô hình tôi thấy tổng chi phí đầu vào giảm so với phương thức trồng rau truyền thống bởi giảm được chi phí thuốc bảo vệ thực vật (tiền thuốc và công phun thuốc), công lao động. Năng suất và giá trị hơn hẳn cách làm truyền thống.

Đến nay, Tổ hợp tác liên kết đã có 2,5ha diện tích trồng các loại rau sạch như: Cải ngọt, cải cúc, xà lách, đậu Hà Lan, củ cải, cà rốt, dưa chuột… Thu hoạch từ các loại rau, củ mang lại thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng/thành viên trong tổ hợp tác. Đây cũng là cầu nối giúp các thành viên chia sẻ kinh nghiệm gieo trồng, cách xử lý và sử dụng thuốc trừ sâu đảm bảo an toàn. Từ đó nâng cao chất lượng và năng suất các loại rau, từng bước tìm đầu ra ổn định cho các loại rau sạch.

Chị Lê Thị Ngà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thanh Luông cho biết: Từ những hiệu quả mà mô hình đem lại, Hội Liên hiệp Phụ nữ đã tham mưu, phối hợp với các cơ quan chức năng nâng cấp mô hình lên thành hợp tác xã. Hiện tại, các hồ sơ pháp lý đã cơ bản xong, đang chờ ngày ra mắt. Thời gian tới, khi được nâng quy mô thành hợp tác xã, mô hình liên kết sản xuất này sẽ có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay để tiếp tục phát triển quy mô và nâng cao chất lượng.

Bên cạnh đó, từ giữa năm 2020, nhiều hộ dân trồng rau an toàn theo hướng GAP cơ bản trên địa bàn huyện Điện Biên đã được Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh hướng dẫn, chuyển giao quy trình sản xuất và đưa vào sử dụng đạm cá để thay thế phân đạm vô cơ trong canh tác rau. Hợp tác xã RAT thôn A1, xã Noong Luống, huyện Điện Biên là một trong những cơ sở đầu tiên sử dụng đạm cá để chăm bón các loại rau màu. Anh Nguyễn Đức Huy, Giám đốc Hợp tác xã là người trực tiếp tham gia sản xuất đạm cá cho biết: Làm đạm cá rất đơn giản, không tốn nhiều thời gian. Ban đầu mọi người lo mùi cá ủ sẽ khó chịu nhưng chúng tôi cho thêm một số loại quả vào trộn nên mùi cũng nhẹ, không nồng. Chất lượng của đạm cá thì các hộ đều nhận thấy có nhiều ưu điểm so với đạm hóa học, làm cho cây trồng mềm, bóng quả và giảm sâu bệnh đi nhiều; không gây cứng quả, không phát triển quá nhanh dễ sâu bệnh như phân đạm urê.

Từ năm 2016 đến nay, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã triển khai được 10 mô hình sản xuất RAT theo hướng GAP cơ bản đến các hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh như xã Noong Luống, Pom Lót, Sam Mứn, Thanh Hưng, Thanh Chăn, Thanh Luông, Thanh Xương (huyện Điện Biên); thị trấn Tuần Giáo, xã Quài Cang (huyện Tuần Giáo); phường Thanh Trường, Noong Bua (TP. Điện Biên Phủ). Với mục tiêu phổ biến kiến thức cơ bản về thực hành nông nghiệp tốt (GAP) giúp người sản xuất tiếp cận với GAP một cách dễ dàng; từng bước thay đổi nhận thức của người trồng rau về sản xuất RAT so với sản xuất rau truyền thống; ứng dụng GAP cơ bản trong sản xuất rau; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân; chuyển giao quy trình kỹ thuật RAT phù hợp với chính quyền địa phương để áp dụng, phổ biến, nhân rộng.

Bà Đào Thị Khuyên, Trưởng phòng Kỹ thuật (Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh) cho biết: Tham gia vào các mô hình đã giúp nông dân làm quen các hoạt động sản xuất theo quy trình GAP cơ bản, kiểm soát các yếu tố đầu vào, tạo ra sản phẩm an toàn; giúp người sản xuất giảm chi phí về thuốc bảo vệ thực vật, phân bón (20 - 30%) so với tập quán. Giúp nông dân sử dụng hiệu quả các yếu tố đầu vào, áp dụng thành công quy trình sản xuất theo GAP cơ bản đơn giản, tạo ra sản phẩm an toàn. Trong đó, Chi cục hoàn thiện và chuyển giao quy trình sản xuất và sử dụng đạm cá, giúp nông dân giảm lượng phân hóa học, tạo ra sản phẩm an toàn. Loại đạm này không độc hại đối với sức khỏe con người, góp phần bảo vệ môi trường, đất đai và còn mang lại hiệu quả kinh tế cao so với việc sử dụng các đạm thông thường. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất hữu cơ thân thiện với môi trường và phát triển nền nông nghiệp sạch, bền vững.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top