Khó phát triển nghề, làng nghề truyền thống

08:16 - Thứ Hai, 14/03/2022 Lượt xem: 6421 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, Điện Biên chưa có nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống (gọi tắt là nghề và làng nghề) được công nhận theo Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn. Các nghề, làng nghề chỉ sản xuất mang tính tự phát, quy mô nhỏ, mức đầu tư còn thấp, hạ tầng, trang thiết bị công nghệ lạc hậu dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa cao, chưa đa dạng để đáp ứng nhu cầu thị trường. Do đó, hầu hết các nghề, làng nghề hoạt động lay lắt cầm chừng và chưa thực sự hiệu quả.

Phụ nữ bản Bắc, xã Lay Nưa, TX. Mường Lay với nghề làm khẩu xén. Ảnh: C.T.V

Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có 44 nghề và làng nghề, nhưng chưa được công nhận. Trong đó, chủ yếu là nghề và làng nghề hoạt động sản xuất trong lĩnh vực dệt thổ cẩm, mây tre đan; sản xuất, chế biến, bảo quản nông - lâm - thủy sản. Các làng nghề tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện: Mường Chà 10 nghề; Tủa Chùa 6 nghề; Điện Biên 8 nghề; TP. Điện Biên Phủ 9 nghề… Hình thức tổ chức sản xuất trong các nghề và làng nghề thông qua mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ kinh doanh cá thể.

Ngoài số ít được đánh giá hoạt động đạt hiệu quả, như: Nghề làm khẩu xén (tại bản Bắc, xã Lay Nưa, TX. Mường Lay); nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Lào (tại bản Na Sang 2, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên); mây tre đan ở xã Nà Tấu (huyện Điện Biên)… hầu hết hoạt động không hiệu quả, thậm chí dừng hoạt động, như Dệt thổ cẩm bản Him Lam 2, phường Him Lam (TP. Điện Biên Phủ); nghề dệt thổ cẩm bản Mường Luân 1, xã Mường Luân (huyện Điện Biên Đông); dệt thổ cẩm và du lịch bản Phăng 3, xã Mường Phăng (TP. Điện Biên Phủ); mây tre đan bản Co Đứa, xã Na Sang (huyện Mường Chà)... Theo thống kê, thu nhập bình quân người lao động của các cơ sở, hộ gia đình trong những đơn vị nghề, làng nghề chỉ đạt khoảng 1,5 - 5 triệu đồng/lao động/tháng.

Ngay cả làng nghề Dệt thổ cẩm bản Na Sang 2, xã Núa Ngam (huyện Điện Biên), mặc dù được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển tỉnh đầu tư xây dựng dự án hỗ trợ phát triển nghề dệt thổ cẩm. Trong đó tập trung vào việc đào tạo nghề, hỗ trợ công cụ sản xuất như các khung dệt thủ công và tìm kiếm đơn đặt hàng. Đến nay, thổ cẩm Na Sang II trở thành một trong những hợp tác xã điển hình nhất của tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên, những năm gần đây, hoạt động của làng nghề này gặp nhiều khó khăn, hoạt động cầm chừng, phần lớn mặt hàng thổ cẩm của hợp tác xã chỉ bán được cho các đại lý phục vụ khách du lịch. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành du lịch bị ảnh hưởng nên hợp tác xã cũng không có một đơn hàng nào được đặt, hàng vẫn tồn từ cuối năm 2019 đến nay.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, một trong những nguyên nhân là do các nghề và làng nghề chủ yếu vẫn làm theo hình thức thủ công, tự phát, quy mô nhỏ, các cơ sở thiếu vốn, chưa được hỗ trợ đầu tư về hạ tầng, trang thiết bị, công nghệ lạc hậu, chiếm tỷ lệ 95% (chủ yếu là nghề thêu ren, dệt truyền thống, đan lát); một số nghề mặc dù đã được cải tiến, áp dụng công nghệ vào các khâu chế biến, sản xuất (khẩu xén, mây tre) tuy nhiên còn hạn chế. Do vậy, chất lượng sản phẩm chưa cao, chưa đa dạng, chưa đáp ứng với nhu cầu thị trường. Trong khi đó, lao động chủ yếu là thủ công, chưa qua đào tạo, phần lớn là do truyền nghề và kèm cặp tại chỗ nên trong quá trình sản xuất theo cơ chế thị trường gặp nhiều khó khăn, lúng túng.

Nhằm khôi phục, phát triển các nghề và làng nghề truyền thống, năm 2014 UBND tỉnh có quyết định phê duyệt Quy hoạch Phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Điện Biên đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo quy hoạch, sẽ tiếp tục ưu tiên duy trì và phát triển mở rộng quy mô, chủng loại sản phẩm của các làng nghề hiện có, không phát triển tràn lan làng nghề theo phong trào. Thông qua các chương trình, dự án và các chính sách hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị, bao bì nhãn mác, xúc tiến thương mại đối với các nghề truyền thống và làng nghề. Một số nghề truyền thống và làng nghề truyền thống bước đầu đã được khôi phục và bảo tổn, như: làng nghề dệt thổ cẩm dân tộc Lào bản Na Sang 2, xã Núa Ngam; làng nghề mây tre đan xã Nà Tấu cũng thuộc huyện Điện Biên.

Tỉnh Điện Biên phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 10 nghề và làng nghề được công nhận. Theo Chi cục Phát triển nông thôn, thời gian tới, để bảo tồn và phát triển các nghề, làng nghề truyền thống, tập trung xây dựng chính sách khôi phục, phát triển các nghề, làng nghề truyền thống theo tạo ra các sản phẩm có tính chất đặc thù, hấp dẫn du khách, nâng cao hiệu quả kinh tế. Trong đó, tập trung việc hỗ trợ, khôi phục một số nghề và làng nghề, như:  Bảo tồn làng nghề truyền thống thêu ren của đồng bào dân tộc Mông, bản Cổng Trời, xã Sa Lông, huyện Mường Chà, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, xúc tiến thương mại, du lịch công đồng; hỗ trợ bảo tồn nghề dệt thổ cẩm dân tộc Lào, bản Pa Xá Lào, xã Pa Thơm (huyện Điện Biên); hỗ trợ đầu tư thiết bị, nguyên liệu, đa dang hóa sản phẩm, xúc tiến thương mại nghề truyền thống mây tre đan bản Huổi Có, xã Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông…

Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top