Vấn đề tuần này

Nâng cao chất lượng, giá trị nông nghiệp

08:05 - Thứ Năm, 17/03/2022 Lượt xem: 3888 In bài viết

ĐBP - Điện Biên có tiềm năng khá lớn về đất đai, đặc biệt là đất cho sản xuất nông - lâm nghiệp. Bên cạnh diện tích đất chưa sử dụng lớn, với thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng phong phú, đa dạng, là điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều loại nông, lâm sản hàng hóa có giá trị kinh tế, mang lại cuộc sống ổn định, tiến tới làm giàu cho người nông dân.

Nhận thức rõ điều này, mới đây tỉnh Điện Biên đã ban hành kế hoạch tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu là phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Tăng cường phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng liên kết chuỗi giá trị bền vững.

Thực tế chứng minh, trong những năm gần đây, giá trị kinh tế nông - lâm nghiệp vẫn chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu GRDP của tỉnh. Năm 2021 GRDP trong nông - lâm nghiệp chiếm 18,08%, năm 2022 dự kiến chiếm 17,66%. Kinh tế nông nghiệp đang đi đúng hướng, khi giá trị GRDP trong nông nghiệp giảm dần qua từng năm; tăng công nghiệp - xây dựng; thương mại - du lịch, dịch vụ... Mục tiêu tốc độ tăng GRDP bình quân lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021 - 2025 đạt 3,16%. Tỷ trọng GRDP ngành nông - lâm nghiệp, thủy sản đến năm 2025 là 16,42%. Định hướng đến năm 2030 GRDP ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ chiếm 11,8% trong GRDP của tỉnh.

Phát triển nông nghiệp bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao, từng bước áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất để giải phóng sức lao động là những giải pháp chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của lãnh đạo tỉnh, ngành chuyên môn và nỗ lực hưởng ứng của bà con nông dân. Quan điểm là giảm dần diện tích sản xuất nông - lâm nghiệp truyền thống, kém hiệu quả sang chuyên canh, thâm canh các loại cây, con mang lại giá trị kinh tế cao. Cùng đơn vị diện tích, khí hậu, thổ nhưỡng ấy nhưng sản xuất cây, con gì mang lại giá trị kinh tế cao, đưa đến cuộc sống ấm no cho nông dân, làm giàu cho doanh nghiệp… mới là cách làm phù hợp, được ưu tiên lựa chọn trong thời gian tới.

Với lĩnh vực trồng trọt, tập trung phát triển các cây trồng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh về giá trị gia tăng lớn, tạo ra các chuỗi cung ứng như lúa chất lượng cao tại huyện Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng...; cà phê, chè tại Mường Ảng, Tủa Chùa, Tuần Giáo; rau quả, cây dược liệu tại huyện Điện Biên, TP. Điện Biên Phủ, Tuần Giáo, Mường Ảng, Mường Nhé, Mường Chà...

Hiện nay, bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, nhưng quy mô chưa đủ lớn, sức cạnh tranh chưa cao. Thực tế vẫn diễn ra tình trạng nông sản “được mùa mất giá”, làm giảm nhiệt huyết, mất lòng tin trong một bộ phận nông dân tham gia mô hình hoặc tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh.

Giải quyết tồn tại này, bên cạnh quy hoạch, phân vùng sản xuất nông, lâm nghiệp theo thế mạnh, cần chủ động mời gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh phấn đấu mỗi năm thu hút 1 - 3 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Giai đoạn đến năm 2030 thu hút 3 - 5 doanh nghiệp/năm đầu tư vào lĩnh vực này. Cùng với đó là mỗi năm tăng thêm 1 - 3 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản an toàn được xác nhận.

Trong những lần kiểm tra cơ sở gần đây của lãnh đạo tỉnh, thường có một số doanh nghiệp, nhà đầu tư đi cùng. Sau khi nắm tình hình thực tế tại địa phương, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã quan tâm khảo sát, lập dự án phát triển nông, lâm nghiệp: Trồng cây mắc ca, cam, chanh leo, xoài, sâm Ngọc Linh, sa nhân tím, cá hồi, cá tầm... Doanh nghiệp mong muốn lãnh đạo tỉnh, chính quyền các cấp linh hoạt vận dụng, tạo cơ chế, chính sách thuận lợi, phù hợp để họ rót vốn vào nông nghiệp.

Nâng cao chất lượng, giá trị trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh cần tập trung mọi nguồn lực từ chính sách của nhà nước, nguồn lực trong nhân dân để dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất trồng trọt theo cánh đồng lớn, quy mô tập trung, ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu làm đất, gieo cấy, chăm sóc và thu hoạch, chế biến, bảo quản, nhằm tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, đảm bảo chất lượng với chi phí thấp.

Các giải pháp về kỹ thuật, thị trường... cũng cần tính đến. Như chú trọng khảo nghiệm, tuyển chọn các giống cây, con có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường đưa vào sản xuất. Tập trung chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào canh tác để giảm thiểu phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học... Cùng với đó là quan tâm xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ để mở rộng nhu cầu tiêu thụ nông sản sang các tỉnh Sơn La, Hòa Bình và các thị trường khác. Ngoài việc tiêu thụ tại các chợ truyền thống, cần tích cực kết nối với các cửa hàng, siêu thị lớn... trên toàn quốc để “chắp cánh cho nông sản bay xa” và nâng cao giá trị sản phẩm cho nông dân.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top