Hướng đi tất yếu

08:10 - Thứ Năm, 17/03/2022 Lượt xem: 6464 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, tỉnh ta đã đạt những kết quả tích cực trong việc khai thác tiềm năng về đất đai, khí hậu để phát triển nông nghiệp. Diện tích, năng suất, sản lượng... có sự gia tăng qua từng năm. Tuy nhiên, nông nghiệp Điện Biên chủ yếu phát triển về bề rộng, chất lượng, hiệu quả chưa cao. Để khắc phục những hạn chế và trong xu thế phát triển chung hiện nay, trước yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm thì việc phát triển một nền nông nghiệp chất lượng cao là tất yếu.

Người lao động Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Phú Mỹ Xanh chăm sóc cây trồng. Ảnh: Lan Phương

Nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh ta. Trung bình giai đoạn 2016 - 2020, tỷ trọng nông - lâm nghiệp chiếm khoảng 18,76% GRDP toàn tỉnh; năm 2021 ước đạt hơn 2.210 tỷ đồng chiếm 18,08%. Ngành Nông nghiệp không chỉ đảm bảo nhu cầu lương thực - thực phẩm mà còn là một trong những trụ đỡ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung. Hiện nay sự bùng nổ của công nghệ thông tin; quá trình hội nhập đòi hỏi chất lượng các loại hàng hóa nói chung, sản phẩm nông sản nói riêng ngày càng cao đòi hỏi sản xuất nông nghiệp phải có hướng phát triển phù hợp, thích ứng. Nếu không tái cơ cấu kịp thời, hiệu quả, ngành nông nghiệp tỉnh ta sẽ tụt hậu, không mang lại lợi nhuận cho nông dân, không đáp ứng yêu cầu phát triển chung. Ngược lại, xây dựng và phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao hiệu quả sẽ nâng cao giá trị kinh tế, hiệu quả sản xuất, mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn.

Điển hình như tỉnh giáp ranh với Điện Biên là Sơn La. Thực hiện ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2020, tốc độ tăng trưởng tăng bình quân 8,38%/năm; tổng sản phẩm ngành Nông nghiệp năm 2020 đạt 14,1 nghìn tỷ đồng, gấp 1,53 lần năm 2015. Trong giai đoạn, tỉnh Sơn La đã xây dựng được 150 chuỗi liên kết rau, quả với tổng diện tích sản xuất gần 2.554ha, sản lượng 31.205 tấn/năm; 12 sản phẩm rau, quả mang địa danh của tỉnh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ; thu nhập bình quân đạt từ 150 - 500 triệu đồng/ha. Toàn tỉnh có 11 doanh nghiệp khoa học công nghệ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay trên 30% trong số hơn 600 hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đã ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, nhà lưới, nhà kính, quy trình sản xuất nông nghiệp tốt. Ngoài các nhà máy lớn như: Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ - Sơn La (Tập đoàn TH), Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu (Tập đoàn Nafoods), Nhà máy Bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao (Tập đoàn IC Food Hàn Quốc), Trung tâm chế biến rau quả DOVECO Sơn La, trên địa bàn tỉnh còn có gần 500 cơ sở sơ chế, chế biến quả quy mô nhỏ của các hộ gia đình, cá nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt mục tiêu đến năm 2025 xây dựng Sơn La trở thành trung tâm chế biến rau, quả của vùng Tây Bắc.

Sẽ khó khăn khi so sánh với các địa phương đã và đang phát triển nông nghiệp mạnh mẽ bởi mỗi nơi có những thế mạnh, thuận lợi và thách thức khác nhau. Nhưng, dù không bàn về cách thức vận hành thì chúng ta cũng nhận thấy những giá trị to lớn của việc thực hiện hiệu quả chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Nông nghiệp công nghệ cao là ứng dụng những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nhằm tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng; giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường. Ứng dụng công nghệ cao còn giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm lệ thuộc vào thời tiết. Xây dựng và phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao sẽ khắc phục được những nhược điểm của nông nghiệp Điện Biên. Trong đó có nhược điểm lớn là sản xuất tự phát, manh mún, nhỏ lẻ; vùng sản xuất chuyên canh phân tán, chưa hình thành được vùng nguyên liệu tập trung hàng hóa; liên kết giữa các “nhà” còn lỏng lẻo; thị trường tiêu thụ không ổn định.

Đến nay, toàn tỉnh xác nhận 22 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; 45 sản phẩm được chứng nhận “sản phẩm OCOP”. Đã xuất hiện một số mô hình ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao như: Nuôi nấm đông trùng hạ thảo (Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Loan Nhẹ); nuôi cấy nấm và sản xuất các giống nấm ăn, nấm dược liệu (Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Điện Biên); trồng rau thủy canh hồi lưu trong nhà lưới; sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP (Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Điện Biên, Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green); 335ha “Cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo hàng hóa chất lượng cao gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Điện Biên”… Tuy nhiên, kết quả đó còn rất nhỏ bé so với tiềm năng phát triển nông nghiệp của tỉnh.

Đánh giá chung thì hầu hết sản phẩm nông sản tỉnh Điện Biên có sức cạnh tranh yếu, sản xuất kinh doanh thiếu sự liên kết; chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp còn bất cập. Lao động nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số lao động xã hội nhưng chủ yếu là lao động thủ công nên năng suất chưa cao. Thu nhập của nông dân hiện nay mới đạt 20,5 triệu đồng/năm, bằng 59,42% GRDP bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh.

Ngày 29//7/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-TU về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2025, với quan điểm: “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp có trọng tâm, trọng điểm; lựa chọn đúng các sản phẩm nông sản chủ lực, lợi thế của tỉnh, địa phương để ưu tiên, tập trung phát triển thành hàng hóa. Lấy doanh nghiệp, hợp tác xã là hạt nhân, giữ vai trò chủ đạo trong thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Phát triển nông, lâm nghiệp tập trung theo hướng sản xuất sạch, an toàn, GAP, hữu cơ.” Nhiệm vụ hiện nay của các cấp, ngành chuyên môn là việc cụ thể hóa, đưa nghị quyết vào cuộc sống như thế nào? Cuộc cách mạng khoa học công nghệ đã và đang đặt ra những cơ hội to lớn song cũng nhiều thách thức cho sản xuất nông nghiệp. Liệu chúng ta có thể tận dụng được thành tựu khoa học công nghệ, nhất là công nghệ số để nâng cao năng suất lao động, giá trị sản xuất nông nghiệp; tạo bước đột phá trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm để chủ động thị trường? Hay là không thể chuyển đổi được hình thức sản xuất từ canh tác truyền thống sang phương thức sản xuất hiện đại, để rồi “tự thua ngay tại sân nhà”?

Hà Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top