Cần cú hích mạnh mẽ hơn về chính sách

08:17 - Thứ Năm, 17/03/2022 Lượt xem: 4403 In bài viết

ĐBP - Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu của ngành Nông nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình nông nghiệp bắt đầu áp dụng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều khó khăn bất cập, từ chính sách, thủ tục hành chính cho đến vốn... đang là những “nút thắt trói chân” ngành Nông nghiệp công nghệ cao tỉnh phát triển.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc triển khai Dự án trồng mắc ca công nghệ cao tại huyện Mường Nhé.

Mặc dù trong những năm qua, Điện Biên đặc biệt quan tâm tới việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực, thế mạnh của tỉnh, như: Sản xuất, chế biến lúa gạo, chăn nuôi,  trồng cây ăn quả... Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã được tỉnh ban hành, như: Quyết định số 04/2017/QĐ UBND ngày 13/01/2017 quy định một số chính sách hỗ trợ việc áp quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 45/2018/QĐ-UBND ngày 24/12/2018 về việc Quy định về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Quyết định số 02/2021/QĐ-UBND ngày 19/1/2021 của UBND tỉnh Điện Biên quy định về nội dung chi và mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, chưa có chính sách riêng biệt nào hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao; các chính sách trên chủ yếu lồng ghép hỗ trợ các hạng mục đầu tư là chính, như: Hỗ trợ ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm; hỗ trợ xây dựng nhà kính (nhà màng) và hỗ trợ nhà lưới… Song nhiều chính sách chưa thật sự đi vào cuộc sống, hầu hết các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân chưa tiếp cận được với các chính sách này. Trong 3 chính sách trên, hiện nay mới chỉ có Quyết định 45/2018 đã hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, nhưng hạn chế; trong khi 2 chính sách còn lại chưa thực hiện hỗ trợ người dân.

Một trong những nguyên nhân được cho rằng, do nguồn kinh phí tỉnh hạn hẹp, trong khi vốn trung ương không có; cùng với đó, điều kiện, quy định để được hỗ trợ của các chính sách rất phức tạp. Cụ thể, theo Quyết định 45 điều kiện để được hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận hoặc cam kết đảm bảo các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường; khuyến khích sử dụng các sản phẩm công nghệ tiên tiến, sinh học, hữu cơ trong sản xuất. Đặc biệt, liên kết đảm bảo ổn định, đối với sản phẩm nông nghiệp có chu kỳ nuôi, trồng, khai thác từ 1 năm trở lên, thời gian liên kết tối thiểu 5 năm; đối với sản phẩm nông nghiệp có chu kỳ nuôi, trồng, khai thác dưới 1 năm, thời gian liên kết tối thiểu 3 năm. Dự án hợp tác, liên kết hoặc kế hoạch đề nghị hỗ trợ phải được cơ quan chuyên môn thẩm định, trình UBND huyện phê duyệt.

Nằm trong chủ chương chung thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao và thực hiện Quyết định 45 của UBND tỉnh, tháng 5/2019, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mường Báng (huyện Tủa Chùa) áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ rau, củ, quả an toàn thực phẩm trên địa bàn xã Mường Báng, với quy mô 1,2ha và số hộ tham gia 15 hộ dân được đầu tư theo hình thức nhà lưới. Mức kinh phí hỗ trợ 480 triệu đồng. Theo thống kê của Phòng Tài chính - Kế hoạch (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến nay mới duy nhất Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mường Báng được hỗ trợ kinh phí trong việc ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, qua kiểm tra dự án của cơ quan chức năng, Hợp tác xã chưa có tiêu chuẩn về nhà lưới làm cơ sở nghiệm thu thanh, quyết toán; thời gian hợp đồng liên kết chỉ thể hiện 1 năm trong khi theo quy định là 3 năm (cây có chu kỳ sản xuất kinh doanh dưới 1 năm); hợp đồng liên kết chưa có số hợp đồng; hợp đồng liên kết yêu cầu bên B tuân thủ quy trình trồng trọt của bên A tuy nhiên bên A lại chưa có quy trình; chủ trì liên kết chưa có báo cáo định kỳ theo quy định; chưa có kết quả kiểm định chất lượng sản phẩm.

Theo bà Phạm Thị Út Mai, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mường Báng, trong quá trình hoạt động, hợp tác xã được hỗ trợ chủ yếu về quy trình kỹ thuật sản xuất rau an toàn và kết nối, giới thiệu đến các cơ quan, đơn vị trường học để tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, các chính sách khác như: Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; đất đai; phát triển hạ tầng... hợp tác xã chưa được hưởng. Thời gian tới, đơn vị mong nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành; đặc biệt là tạo điều kiện để được tiếp cận dễ dàng hơn với các chính sách phát triển nông nghiệp nói chung và nông nghiệp công nghệ cao nói riêng.

Có thể nói, những năm gần đây tỉnh đã hành động đang tạo nguồn cảm hứng để lôi kéo các doanh nghiệp, nhà đầu tư đổ vốn vào nông nghiệp tỉnh, như: Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng Quang Hà đầu tư cây ăn quả công nghệ cao tại xã Búng Lao (huyện Mường Ảng); Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương Điện Biên trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lúa; Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc triển khai Dự án trồng mắc ca công nghệ cao tại huyện Mường Nhé... được đánh giá sẽ tạo nên sự thay đổi cả về chất và lượng cho ngành Nông nghiệp tỉnh nhà. Bởi họ có vốn, có công nghệ, có thương hiệu, uy tín. Họ kiểm soát được chất lượng sản phẩm mà người nông dân làm ra và có điều kiện tiếp xúc đối tác, biết cách thức xúc tiến thương mại, định hướng được thị trường...

Như vậy, yếu tố “cần” là các doanh nghiệp đã có yếu tố “đủ” là chính sách để tích tụ ruộng đất, các cơ chế đột phá về thủ tục, về tín dụng... Chúng ta đều biết sản xuất nông nghiệp mà làm cá thể, manh mún thì không thể áp dụng công nghệ cao, không thể chuyển đổi cơ cấu. Thực tế, lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao của Điện Biên còn những khó khăn, vướng mắc, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Các sản phẩm nông nghiệp đặc sản chưa vươn xa trong khu vực và cả nước. Hiện nay các sản phẩm nông sản mới chỉ dừng lại ở khâu bán thô là chính nên giá trị chưa cao. Thị trường tiêu thụ bị bó hẹp, chủ yếu trong tỉnh.

Trong bối cảnh hiện nay, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp và biến đổi khí hậu đe dọa trực tiếp đến sản xuất truyền thống, nông nghiệp công nghệ cao được xem là định hướng phát triển đúng đắn và cấp thiết. Trong khi, Điện Biên được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển lĩnh vực này. Thời gian tới, nông nghiệp công nghệ cao hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều đột phá lớn nếu được kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về mặt chính sách, thủ tục, đất đai...

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top