Khó khăn trong giao đất, giao rừng ở Mường Nhé

13:43 - Thứ Năm, 17/03/2022 Lượt xem: 6338 In bài viết

ĐBP - Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan đến nay diện tích đất có rừng đã hoàn thành giao trên địa bàn huyện Mường Nhé đạt gần 75,4% so với kế hoạch. Diện tích chưa có rừng mới cơ bản hoàn thành việc rà soát, thành lập mảnh trích đo đối với 6 xã có triển khai dự án trồng mắc ca công nghệ cao (Sín Thầu, Sen Thượng, Leng Su Sìn, Chung Chải, Nậm Vì, Mường Nhé) và sẽ thực hiện giao trong năm 2022.

Cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé hướng dẫn người dân điều tra, đánh giá thực trạng hệ sinh thái rừng, tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trong Khu bảo tồn. Ảnh: CTV

Trong quá trình triển khai thực hiện, UBND huyện, Ban Chỉ đạo giao đất, giao rừng huyện Mường Nhé cùng các phòng, ban, đơn vị liên quan tích cực tuyên truyền, phổ biến tới các xã, bản mục đích, ý nghĩa để đẩy nhanh tiến độ cũng như đảm bảo yêu cầu trong công tác giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định và các hướng dẫn của cấp trên. Đối với đất lâm nghiệp có rừng, huyện thực hiện rà soát đánh giá hiện trạng rừng theo quy hoạch 3 loại rừng, tổng diện tích đất lâm nghiệp có rừng còn lại sau khi thực hiện giao theo Kế hoạch số 388/KH-UBND, ngày 20/2/2013 của UBND tỉnh có thể giao được là 12.390,75ha. Đến nay đã giao được cho các chủ rừng gần 9.336,4ha (đạt gần 75,4% so với kế hoạch giao). Trong đó năm 2020, UBND huyện đã tổ chức thực hiện và đã giao hơn 7.982ha cho 175 chủ rừng (66 cộng đồng và 109 hộ gia đình). Năm 2021, UBND huyện tiếp tục triển khai thực hiện giao (đối với những diện tích còn vướng mắc chưa giao được trong năm 2020) được hơn 1.354,3ha cho 83 chủ rừng (26 cộng đồng và 57 hộ gia đình). Diện tích còn lại hiện vẫn chưa giao được là gần 3.054,4ha.

Đối với đất lâm nghiệp chưa có rừng đã thực hiện rà soát, đánh giá hiện trạng theo quy hoạch 3 loại rừng. Tổng diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng đủ điều kiện để giao hơn 29.670,9ha (được phê duyệt tại Quyết định số 744/QĐ-UBND ngày 15/7/2021 của UBND huyện Mường Nhé). Huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai trong 2 giai đoạn: Năm 2021 triển khai trước đối với 6 xã có triển khai dự án mắc ca công nghệ cao (Sín Thầu, Sen Thượng, Leng Su Sìn, Chung Chải, Nậm Vì và Mường Nhé) theo phê duyệt chủ trương trồng mắc ca công nghệ cao của tỉnh. Đến nay đã hoàn thành việc rà soát ngoại nghiệp đến xã, bản đối với 6 xã thuộc dự án. Tổng diện tích đã rà soát lập hồ sơ, xây dựng phương án giao hơn 3.514,2ha của 4 xã: Sín Thầu, Sen Thượng, Leng Su Sìn, Chung Chải cho 16 cộng đồng và 382 hộ gia đình. Năm 2022 tiếp tục triển khai đối với các xã còn lại trên toàn địa bàn huyện theo hướng dẫn mới của liên ngành Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Khó khăn trong quá trình giao đất, giao rừng tại huyện Mường Nhé là với diện tích đất lâm nghiệp có rừng còn lại chưa giao được cho chủ rừng theo kế hoạch. Nguyên nhân chính là tranh chấp liên quan đến địa giới hành chính giữa các địa phương như: xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé) với xã Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ); xã Huổi Lếch (huyện Mường Nhé) với xã Tà Tổng (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) và một số diện tích nhỏ lẻ, manh mún chồng lấn vào các chương trình dự án khác, như: Đề án 79, dự án trồng keo. Cơ bản các diện tích này UBND huyện đã chỉ đạo và đưa vào phương án phê duyệt giao cho UBND các xã quản lý và thuê khoán lại các đối tượng đang sinh sống trong và gần khu vực đó trực tiếp bảo vệ để được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định.

Đối với đất lâm nghiệp chưa có rừng, phần lớn diện tích đất này là đất đang canh tác nương, đất sản xuất nông nghiệp của người dân. Do vậy, khi triển khai giao đất với mục đích đất lâm nghiệp, nhân dân không đồng thuận, không nhất trí triển khai vì sợ được giao đất để sử dụng vào mục đích đất lâm nghiệp, để phát triển rừng thì không có đất để sản xuất. Cùng với đó chủ trương trồng mắc ca đã được phê duyệt tuy nhiên đến nay chưa phê duyệt thiết kế cụ thể vùng dự án triển khai thực hiện nên chưa xác định được rõ phạm vi, quy mô cho vùng trồng mắc ca. Bên cạnh đó Công ty Mắc ca vẫn triển khai đo quy chủ và hỗ trợ tiền cho người dân, thậm chí đã trồng cây mắc ca (tại xã Sín Thầu, Sen Thượng) cả trong và ngoài vùng quy hoạch lâm nghiệp gây khó khăn cho việc đo đạc và lập phương án giao đất lâm nghiệp đối với diện tích này và quỹ đất dành cho dự án mắc ca theo định hướng, chủ trương của tỉnh.

Gia Kiệt
Bình luận

Tin khác

Back To Top