Kiểm soát an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp

07:47 - Thứ Hai, 21/03/2022 Lượt xem: 9267 In bài viết

ĐBP - Vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp là vấn đề được nhiều người đặc biệt quan tâm, bởi thực phẩm nông sản ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài tới sức khoẻ con người. Nhằm quản lý, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tiêu thụ trên địa bàn, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát sản phẩm nông lâm, thủy sản; góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong công tác đảm bảo vệ sinh ATTP lĩnh vực nông nghiệp.

Một mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại TP. Điện Biên Phủ.

Với chức năng là cơ quan quản lý chất lượng vệ sinh ATTP, sản phẩm nông lâm và thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản đã tăng cường công tác giám sát chất lượng, vệ sinh ATTP, tập trung vào các sản phẩm tươi sống phục vụ tiêu dùng hàng ngày của người dân. Quý I/2022, Chi cục đã phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương tổ chức 1 đợt lấy mẫu, giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm nông, lâm, thủy sản đối với 29 cơ sở trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên, kết quả 29/29 cơ sở được giám sát đảm bảo yêu cầu theo quy định; tiến hành lấy 87 mẫu thực phẩm rau, củ quả, thịt và sản phẩm từ thịt... để phân tích các chỉ tiêu về ATTP, kết quả 100% mẫu đều đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm; tiến hành thẩm định, xếp loại 2 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện ATTP trên địa bàn huyện Điện Biên, Mường Chà, kết quả đánh giá, phân loại 2 cơ sở xếp loại B.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn trong công tác quản lý vệ sinh ATTP song Chi cục đã chú trọng tăng cường công tác kiểm soát chất lượng nông lâm, thủy sản để kịp thời thẩm định, kiểm tra và xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, triển khai hoạt động hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp cận, sử dụng vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để duy trì, phát triển chuỗi. Trong quý II, Chi cục xây dựng kế hoạch, triển khai lấy mẫu giám sát chất lượng, ATTP cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản và giám sát sau cấp xác nhận chuỗi cung ứng sản phẩm thực phẩm an toàn; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, thẩm định và cấp chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản và kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản; hướng dẫn cơ sở có đăng ký xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn thực hiện các tiêu chí để được cấp chứng nhận theo quy định.

Nhằm đảm bảo vệ sinh ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung triển khai các nội dung, như: Đẩy mạnh tuyên truyền về các quy định, kiến thức ATTP cho cán bộ quản lý, người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng; đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm kém chất lượng; phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và kịp thời cảnh báo nguy cơ mất ATTP. Theo bà Chu Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nông sản thực phẩm, công tác quản lý, kiểm soát và nâng cao chất lượng ATTP luôn đặt ra hết sức cấp bách. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp, đặc biệt là các chất cấm trong trồng trọt và chăn nuôi; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP, chú trọng quảng bá các mô hình chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn; phối hợp với các địa phương tập trung chỉ đạo xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn; thúc đẩy áp dụng rộng rãi các mô hình sản xuất an toàn và phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn.

Cùng với ngành Nông nghiệp, các ngành khác như: Y tế, Công Thương... cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành và chia thành nhiều tổ tiến hành kiểm tra tại 10 huyện, thị, thành phố; lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATVSTP theo quy định khi cần thiết. Các địa phương cũng đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng triển khai biện pháp đảm bảo vệ sinh ATTP và thành lập các đoàn kiểm tra để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.

Để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, ngoài sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của cơ quan chuyên môn, các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm cũng cần tuân thủ nghiêm các quy định về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, nói không với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đối với người tiêu dùng nên mua thực phẩm tại các địa chỉ uy tín, lựa chọn kỹ sản phẩm, kiểm tra ngày sản xuất, hạn sử dụng, xuất xứ in trên bao bì...

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top