Góc nhìn - Tiêu điểm

Phía sau Festival trái cây

06:26 - Thứ Bảy, 04/06/2022 Lượt xem: 3672 In bài viết

ĐBP - Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam được tổ chức tại tỉnh Sơn La trong những ngày cuối tháng Năm vừa qua đã thành công tốt đẹp.

Festival có quy mô hơn 321 gian hàng trực tiếp của các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã đến từ 56 tỉnh, thành phố trên cả nước và 65 gian hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử; hơn 1.300 sản phẩm là đặc sản của các vùng miền được trưng bày.

Hiện nay, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hàng đầu thế giới. Trong đó, trái cây có sự phát triển vượt bậc, vươn lên thành một trong những mặt hàng xuất khẩu mang lại nhiều ngoại tệ với thị trường tại hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Mỗi người dân Việt Nam đều tự hào với những thành tựu đó của ngành Nông nghiệp nước nhà.

Festival trái cây nhằm tôn vinh người trồng cây ăn quả và quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP Việt Nam. Đồng thời là dịp để các địa phương giao lưu văn hoá, kinh tế; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối thị trường trong và ngoài nước. Festival có nhiều hoạt động hấp dẫn, và đều để lại ấn tượng!

Nhưng ấn tượng sâu đậm từ chương trình này đáng phải nhắc đến chủ nhà đăng cai.

Điều gì khiến Sơn La - một tỉnh miền núi khu vực Tây Bắc còn nhiều khó khăn lại trở thành chủ nhà của Festival trái cây và sản phẩm OCOP có quy mô toàn quốc lớn nhất từ trước đến nay? Đương nhiên “chủ nhà” không chỉ mang mỗi ý nghĩa hình thức là “địa điểm tổ chức”, mà họ có thực lực!

Tỉnh Sơn La có 56 gian hàng tại Festival (bằng hơn 1/5 tổng số gian hàng) được đầu tư công phu với hơn 220 mặt hàng nông, lâm, thủy sản của 12 huyện, thành phố trong tỉnh. Sơn La cũng có hơn 70 sản phẩm OCOP (trong tổng số 83 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên của tỉnh) được trưng bày tại Festival.

Sơn La có trên 1,056 triệu héc ta đất nông nghiệp (chiếm 74,89% diện tích đất tự nhiên). Bằng nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ để phát huy tiềm năng, lợi thế, đến nay Sơn La có 82.800ha cây ăn quả các loại (bằng 1/11 tổng diện tích cây ăn quả cả nước), với sản lượng trên 450.000 tấn/năm (bằng 1/21 tổng sản lượng cả nước). Trong đó có 241 mã số vùng trồng với diện tích trên 3.860ha phục vụ xuất khẩu; toàn tỉnh đã có 17 sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường 21 nước trên thế giới.

Có thể nói Sơn La là “điểm sáng” phát triển cây ăn quả không chỉ ở vùng Tây Bắc mà trong cả nước. Thành tựu của Sơn La là bài học để nhiều địa phương nghiên cứu, học hỏi, trong đó có Điện Biên.

Đến hết năm 2021, tỉnh ta có 3.036ha cây ăn quả; diện tích cho thu hoạch là 1.945ha với sản lượng ước đạt trên 19.900 tấn.  Được biết giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh ta đã thực hiện hỗ trợ phát triển 1.244ha cây ăn quả với tổng kinh phí 78,567 tỷ đồng. Một số dự án, mô hình phát triển tốt, bước đầu cho năng suất, hiệu quả cao. Song đánh giá chung, phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế: Chủ yếu là trồng phân tán (chiếm 73,6% tổng diện tích), chưa hình thành vùng sản xuất chuyên canh, chưa mang tính hàng hóa, sản phẩm chủ yếu phục vụ nhu cầu trong tỉnh, sử dụng dưới dạng quả tươi chưa qua chế biến; công tác quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế.

Phát biểu tại Festival trái cây Sơn La, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ rõ: Để nông sản, trái cây, sản phẩm OCOP phát triển bền vững, cần tập trung giải quyết 5 vấn đề căn bản: Xây dựng thương hiệu; Quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu; Phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch; Hỗ trợ về vốn, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa, hợp tác công - tư; Phát triển và mở rộng thị trường, đẩy mạnh tham gia vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.

Muốn phát triển cây ăn quả, tỉnh ta còn nhiều việc phải làm và phải làm tốt nhiều việc. Từ quy hoạch vùng sản xuất tập trung, liên kết sản xuất, điều tiết và quản lý, tổ chức lại sản xuất để có điều kiện áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật... Một ví dụ là: Chúng ta từng thành công trong thực hiện “hạ sơn” nhiều hộ dân tộc thiểu số để trồng lúa nước, nuôi thủy sản xóa đói giảm nghèo. Liệu tới đây có thực hiện được cuộc cách mạng nào để đưa cây ăn quả lên những triền đồi, sườn núi thay thế những nương ngô, lúa nương kém hiệu quả?

Duy Bình
Bình luận

Tin khác

Back To Top