Trồng rừng đang chậm tiến độ

06:29 - Thứ Bảy, 04/06/2022 Lượt xem: 4997 In bài viết

ĐBP - Thời vụ trồng rừng có vai trò quan trọng trong sản xuất lâm nghiệp, tác động trực tiếp đến năng suất, chất lượng rừng trồng. Do đó, tổ chức sản xuất đúng mùa vụ sẽ hạn chế được những tác động bất lợi của thời tiết và sâu bệnh hại đối với cây trồng; tiết kiệm vật tư, nhân lực để nâng hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, qua theo dõi của cơ quan chức năng, hiện nay công tác trồng rừng đang chậm tiến độ so với kế hoạch, khó hoàn thành khối lượng kế hoạch giao.

Công nhân Công ty Cổ phần Giống lâm nghiệp Trung ương tại Điện Biên chăm sóc giống cây lâm nghiệp.

Theo kế hoạch, năm 2022 toàn tỉnh trồng 7.320ha rừng tập trung (bao gồm cả cây mắc ca); 180ha rừng phòng hộ, rừng thay thế; 150ha rừng sản xuất và 120ha lâm sản ngoài gỗ… Một số huyện có kế hoạch giao nhiều, gồm: Huyện Điện Biên (4.500ha), Điện Biên Đông (800ha), Tuần Giáo (510ha), TP. Điện Biên Phủ (510ha). Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành văn bản, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị được giao kế hoạch tổ chức thực hiện, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch trồng rừng để giải ngân 100% kế hoạch vốn đã được phân bổ.

Căn cứ chỉ tiêu, kế hoạch trồng rừng, các địa phương, đơn vị đã triển khai đến từng xã, thị trấn và các chủ rừng trên địa bàn tổ chức thực hiện. Đồng thời khẩn trương khảo sát, tổ chức cho các hộ dân đăng ký diện tích và số lượng cây giống; chuẩn bị cây giống đạt tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu trồng rừng. Cán bộ kỹ thuật tích cực hướng dẫn người dân về quy trình, kỹ thuật thâm canh rừng trồng; từng bước áp dụng cơ giới hóa vào khâu làm đất; thực hiện các quy trình kỹ thuật lâm sinh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gỗ rừng trồng.

Hiện nay đã bước vào mùa trồng rừng, tuy nhiên qua theo dõi của Chi cục Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công tác trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất, phát triển lâm sản ngoài gỗ đang chậm tiến độ. Với tình hình thực hiện như hiện nay rất khó đảm bảo hoàn thành được khối lượng theo kế hoạch, nhất là đối với trồng rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Có nhiều nguyên nhân như: Các diện tích trồng rừng tại khu vực vùng cao, vùng sâu đi lại khó khăn nên người dân ngại tham gia; tập quán sản xuất, đời sống kinh tế của người dân vẫn dựa chủ yếu vào làm nương, trong khi quỹ đất sản xuất nông nghiệp hạn hẹp nên họ lo lắng khi trồng rừng sẽ mất đất sản xuất, hoặc lo ngại đầu ra sản phẩm gặp khó khăn...

Theo bà Mai Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp thì hiện nay đối với trồng rừng phòng hộ, các địa phương, đơn vị mới chuẩn bị hiện trường được 130/180ha. Trong đó huyện Tuần Giáo đạt 50ha; huyện Mường Ảng đạt 40/55ha; Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo và TP. Điện Biên Phủ được giao 35ha, nhưng cũng không có khả năng thực hiện do không vận động được người dân tham gia. Đối với trồng rừng sản xuất, hiện nay mới chuẩn bị hiện trường được 10/150ha; các huyện: Điện Biên Đông, Mường Ảng vẫn đang trong quá trình tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt tại huyện Mường Ảng được giao trồng 95ha nhưng chưa vận động được người dân tham gia. Đối với hoạt động phát triển lâm sản ngoài gỗ, mới tổ chức khảo sát, chuẩn bị hiện trường được 68/120ha.

Năm 2022 huyện Tuần Giáo được giao trồng 80ha rừng phòng hộ (bao gồm cả Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tuần Giáo), 50ha rừng sản xuất và 20ha lâm sản ngoài gỗ. Để đảm bảo kế hoạch giao, huyện Tuần Giáo đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền các xã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về các chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Đồng thời, khuyến khích và hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây nông nghiệp ngắn ngày, cây công nghiệp kém hiệu quả sang trồng rừng sản xuất. Tuy nhiên, đến nay tiến độ trồng rừng của huyện gặp khó khăn. Cụ thể, 30ha rừng phòng hộ giao cho Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tuần Giáo nhưng không thực hiện được do người dân không tham gia; đối với 50ha giao huyện, mới đang chuẩn bị hiện trường (phát dọn thực bì, chuẩn bị đào hố). Đặc biệt, đối với 50ha rừng sản xuất gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân do đơn giá hỗ trợ thấp (10 triệu đồng/ha), người dân không mặn mà tham gia; người dân lo lắng trồng rừng mất đất sản xuất; diện tích khảo sát trồng rừng chủ yếu vùng cao, vùng xa, địa hình đi lại khó khăn nên ít người đăng ký. Bên cạnh đó, một số diện tích dự kiến trồng nằm trong quy hoạch 3 loại rừng nên hiện nay đang phải rà soát, đưa ra quy hoạch. Vì vậy, đến nay huyện Tuần Giáo mới chuẩn bị hiện trường được 10/50ha rừng sản xuất.

Theo ông Trần Văn Thượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay đã vào mùa trồng rừng, để đảm bảo các chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng năm 2022, Sở đề nghị UBND các huyện, thành phố, các đơn vị được giao kế hoạch tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hoạt động lâm nghiệp đã được giao. Riêng đối với các hoạt động lâm sinh sử dụng nguồn vốn đầu tư công, đề nghị các huyện: Điện Biên, Mường Chà, Mường Ảng, Tuần Giáo, Điện Biên Đông, Tủa Chùa, Mường Nhé, TP. Điện Biên Phủ và Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tuần Giáo tập trung, chủ động tổ chức thực hiện khối lượng theo chỉ tiêu kế hoạch được giao. Đối với hoạt động trồng cây phân tán thuộc dự án bảo vệ và phát triển rừng, các địa phương, đơn vị được phân bổ kế hoạch cần chuẩn bị xong hố trồng và thông báo kết quả thực hiện trước ngày 5/6/2022 để tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị trước khi cấp cây. Sở đã giao Chi cục Lâm nghiệp chủ động tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị của các địa phương, đơn vị được giao kế hoạch. Từ đó tham mưu cho Sở điều chuyển kế hoạch phân bổ cây phân tán của các đơn vị chuẩn bị hố trồng không đảm bảo kỹ thuật và thời gian yêu cầu cho đơn vị khác thực hiện.

Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top