Chuyển đổi cây trồng từ đất lúa kém hiệu quả

05:43 - Thứ Hai, 06/06/2022 Lượt xem: 4034 In bài viết

ĐBP - Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang thâm, canh chuyên canh các giống cây khác cho năng suất hiệu quả cao là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng bền vững và xây dựng nông thôn mới. Những năm qua, tỉnh ta đã thực hiện khá hiệu quả chủ trương này, khai thác tốt tiềm năng, giúp nông dân ổn định sản xuất.

Người dân xã Thanh An (huyện Điện Biên) thu hoạch khoai lang. Ảnh: Ngọc Thượng

Thời điểm này, người dân xã Thanh An (huyện Điện Biên) thu hoạch khoai lang. Bà Nguyễn Thị Phượng, thôn Đồi Cao, xã Thanh An cho biết: Thửa đất này trước đây gia đình trồng lúa, nhưng do thiếu nước nên năng suất bấp bênh, gia đình tôi chuyển sang trồng khoai đã được 3 năm. Khoai lang là cây trồng chịu được khô hạn, ít công chăm sóc, chi phí vật tư phân bón cũng ít hơn so với trồng ngô, lúa; chỉ sử dụng phân chuồng hoai mục, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật mà năng suất lại cao. Vụ khoai lang trước nhà tôi thu hoạch trên 5 tấn, vụ này dự kiến sẽ cao hơn.

Những năm gần đây nông dân các xã vùng lòng chảo Điện Biên như: Thanh Luông, Thanh Hưng, Thanh Nưa, Thanh Xương, Noong Luống, Pom Lót, Noong Hẹt... cũng chủ động chuyển đổi đất trồng lúa một vụ kém hiệu quả sang rau màu, các loại cây ăn quả mang lại thu nhập cao hơn. Năm 2021, toàn huyện trồng gần 100ha khoai lang vụ đông và vụ xuân, sản lượng đạt trên 1.000 tấn. Với giá bán từ 10 - 12 nghìn đồng/kg, khoai lang đã mang lại thu nhập cao cho người dân. Hộ trồng nhiều có thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng, hộ trồng ít cũng có thu nhập từ 10 - 20 triệu đồng mỗi năm. Được biết kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong năm 2022 của huyện Điện Biên là 995ha, trong đó chuyển đổi đất lúa một vụ là 90ha, còn lại là diện tích lúa nương.

Tiên phong trong chuyển đổi đất lúa một vụ kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, rau màu trên địa bàn thị trấn Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa) là các hộ dân bản Bó. Do các chân ruộng cao lại ở cuối nguồn cho nên nhiều năm liền công trình thủy lợi bản Bó không thể cấp đủ nước để trồng lúa. Người dân trong bản đã chủ động khắc phục bằng cách làm phai tạm dẫn nước từ khe suối về, nhưng nguồn nước không đều khiến năng suất, sản lượng thấp. Được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hướng dẫn, từ năm 2017 có 19 gia đình ở bản Bó đăng ký chuyển đổi hơn 5ha đất lúa sang trồng các loại cây ăn quả, rau màu. Mô hình này cho bà con mức thu nhập ổn định từ 25 - 30 triệu đồng/hộ/năm. Nếu so với trồng lúa thì cao hơn nhiều. Là một trong 19 hộ dân đã chuyển đổi cây trồng, bà Nguyễn Thị Lưu cho biết: “Gia đình tôi đã chuyển đổi 1.000m2 đất trồng lúa sang các loại cây: Mướp, cà pháo và các loại rau màu. Được cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn kỹ thuật, gia đình tôi trồng rau theo phương pháp an toàn sinh học nên thu hoạch đến đâu bán hết đến đó”.

Đánh giá hiệu quả kinh tế từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất nương, đất lúa một vụ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Minh Hải cho biết: Với sự vào cuộc tích cực của ngành Nông nghiệp, cấp ủy, chính quyền các huyện, giai đoạn 2017 - 2021 toàn tỉnh chuyển đổi gần 1.900ha. Trong đó, diện tích chuyển đổi trên đất lúa nương gần 1.400ha; diện tích chuyển đổi trên đất trồng cây màu hàng năm là gần 500ha. Chuyển đổi sang trồng cây ăn quả là hơn 800ha; chuyển đổi sang trồng cây làm thức ăn gia súc là 380ha; cây trồng khác trên 600ha. Đối với cây ăn quả hiện nay bắt đầu cho thu hoạch khoảng 300ha, các loại cây: Dứa, xoài, bưởi, cam... năng suất ước đạt gần 10 tấn/ha, sản lượng ước đạt gần 3000 tấn. Hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 5 - 6 lần so với trồng lúa nương, thu nhập bình quân 200 - 300 triệu đồng/ha/năm. Diện tích chuyển đổi sang trồng cây thức ăn gia súc hiệu quả kinh tế khoảng 40 - 50 triệu đồng/ha/năm. Diện tích chuyển đổi sang các cây trồng khác năng suất trung bình 6,5 tấn/ha, thu nhập cao gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa nương, cây màu hàng năm.

Năm 2022 toàn tỉnh dự kiến chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả với diện tích khoảng 155,77ha; gồm chuyển đổi đất lúa nương trên 2.017ha, chuyển đổi ruộng 2 vụ lúa là 35,2ha, chuyển đổi trên đất 1 vụ lúa 103,5ha. Trong đó diện tích chuyển đổi sang trồng cây hàng năm (dong riềng, khoai lang, sắn...) là 356,77ha; diện tích chuyển đổi sang trồng cây lâu năm là 1.799ha.

Tú Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top