Tủa Chùa đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp

06:23 - Thứ Tư, 08/06/2022 Lượt xem: 4351 In bài viết

ĐBP - Cụ thể hóa các nghị quyết, quyết định của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tủa Chùa về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản, UBND huyện Tủa Chùa đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động về đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng “Nâng cao giá trị gia tăng và Phát triển bền vững”.

Theo đó, các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn chỉ đạo, hướng dẫn người dân tập trung khai thác tiềm năng đất đai, tài nguyên, nhân lực lao động để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản. Đồng thời, huyện Tủa Chùa sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình: Giảm nghèo; Xây dựng nông thôn mới và nhiều nguồn vốn lồng ghép để đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi nhằm chủ động nguồn nước phục vụ khai hoang, cải tạo đất nương thành ruộng bậc thang sản xuất lúa ruộng; hỗ trợ cây giống, con giống, máy móc phương tiện phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bảo vệ rừng và nhân rộng các mô hình khuyến nông, khuyến ngư.

Người dân thôn Tân Phong, thị trấn Tủa Chùa thu hoạch cá.

Có điều kiện về tự nhiên thuận lợi cho phát triển chăn nuôi, huyện đã quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa. Trong đó, các cơ quan chuyên môn và chính quyền các xã, thị trấn tập trung thực hiện công tác cải tạo giống, nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi; phát triển giống chất lượng cao thích hợp cho từng vùng. Đồng thời, chính quyền các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo hướng gia trại và trang trại. Đến nay, tổng đàn gia súc, gia cầm toàn huyện đạt trên 344.500 con.

Bên cạnh đó, từ khi xây dựng Thủy điện Sơn La, huyện Tủa Chùa có diện tích lòng hồ rộng lớn. Huyện đã tận dụng lợi thế “cận giang” để phát triển nuôi và đánh bắt thủy sản. Từ nguồn vốn sự nghiệp các chương trình: 30a/CP, 135/CP, nông thôn mới và các nguồn vốn phát triển sự nghiệp nông nghiệp của tỉnh, huyện Tủa Chùa đã hỗ trợ người dân các xã: Huổi Só, Tủa Thàng phát triển mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà. Đến nay, 2 xã đã có trên 150 lồng cá với gần 100 hộ tham gia, thu nhập bình quân đạt 25 - 30 triệu đồng/hộ/năm. Điển hình như, thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo Quyết định số 45 ngày 24/12/2018 của UBND tỉnh Điện Biên, từ năm 2019 đến nay, huyện Tủa Chùa đã triển khai Dự án Liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ cá thương phẩm trên lòng hồ sông Đà. Tham gia Dự án, 13 hộ dân tại 2 xã: Huổi Só và Tủa Thàng được hỗ trợ kinh phí làm lồng cá, thức ăn chăn nuôi và hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc và phòng trị bệnh cho cá.

Anh Tẩn A Dành, xã Huổi Só cho biết: Tham gia Dự án nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà, gia đình tôi đã được UBND huyện hỗ trợ kinh phí làm 4 lồng cá để nuôi cá rô phi, trắm, mè thương phẩm. Dự án kết thúc, các hộ được hỗ trợ bao tiêu 100% sản phẩm. Sau Dự án, tôi xác định nghề nuôi cá trên lòng hồ sẽ là hướng phát triển kinh tế mới của gia đình. Do đó, tôi đã đầu tư thêm 2 lồng cá nữa để phát triển nuôi cá thương phẩm. Sau gần 3 năm triển khai, mô hình cho lợi nhuận ổn định từ 25 - 30 triệu đồng/năm.

Trong lĩnh vực trồng trọt, huyện Tủa Chùa tập trung chuyển đổi cơ cấu từ cây có năng suất, sản lượng, chất lượng thấp sang cây có giá trị kinh tế cao; thành lập các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, hỗ trợ xây dựng các mô hình liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển cây ăn quả, cây dược liệu… theo hướng hàng hóa. Hiện nay, toàn huyện đã xây dựng được 25 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bước đầu mang lại hiệu quả. Đến nay, toàn huyện đã có 3 sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn OCOP là: Chè Tủa Chùa, khoai sọ tím Tủa Chùa và gạo vai gãy. Ông Thào A Páo, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Thu cho biết: Từ năm 2019 đến nay, thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xã Trung Thu tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây trồng truyền thống sang các giống có giá trị kinh tế cao như: Su su, chanh leo, măng tây, dâu tây, khoai sọ tím... Sau hơn 3 năm thực hiện, toàn xã đã chuyển đổi được trên 30ha đất nương từ trồng ngô sang trồng các loại rau, củ quả. Đến nay, cơ bản các diện tích chuyển đổi đều phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập cao và ổn định cho người dân.

Bà Vũ Ngọc Ánh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Thời gian tới, huyện Tủa Chùa tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành; chỉ đạo các xã khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang ở những khu vực đủ điều kiện; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng các giống mới, chất lượng cao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Xây dựng vùng sản xuất rau an toàn tập trung theo hướng liên kết; phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa; tăng diện tích nuôi trồng thủy sản, phát triển theo từng loại hình mặt nước, quan tâm tái tạo nguồn thủy sản lòng hồ thủy điện. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, ưu tiên nguồn lực để khoanh nuôi, tái sinh rừng.

Bài, ảnh: Nhật Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top