Tìm giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ trái cây

09:24 - Thứ Năm, 09/06/2022 Lượt xem: 2885 In bài viết

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả của Việt Nam ước đạt 1,47 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng tháng 5/2022, kim ngạch ước đạt 300 triệu USD, giảm 11% so với tháng 5/2021. Trong khi đó, tại nhiều địa phương phía nam đang vào vụ thu hoạch nhiều loại trái cây, cần chủ động các giải pháp tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Ảnh minh họa: Thành Đạt

Sản lượng lớn cần tiêu thụ

Theo Phó Cục trưởng Trồng trọt Lê Thanh Tùng, năm 2022, sản lượng cây ăn quả chính phía nam ước đạt hơn 7,3 triệu tấn. Trong đó, sáu tháng đầu năm ước đạt 3,3 triệu tấn, sáu tháng cuối năm ước đạt 4,1 triệu tấn. Một số loại trái cây có sản lượng lớn tập trung ở các tỉnh như: thanh long (Bình Thuận, Long An, Tiền Giang); bưởi (Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang); xoài (An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang...); mít (Tiền Giang, Hậu Giang, Đồng Nai)...

Trong đó, về tình hình phát triển thị trường trong nước, thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, nhu cầu tiêu thụ trái cây trong nước khoảng 68- 70kg/người/năm. Với dân số cả nước hơn 96 triệu người và 15-16 triệu khách du lịch thì đây là khu vực thị trường có sức tiêu thụ tương đối lớn. Về hạ tầng hỗ trợ phân phối tiêu thụ sản phẩm trái cây, hiện có 8.600 chợ, 1.223 siêu thị, trung tâm thương mại; 1.300 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics; 6 trung tâm logistics do các doanh nghiệp đầu tư và quản lý; 1.096 chuỗi nông sản an toàn.

Đối với thị trường xuất khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường chính, chiếm tới gần 57% thị phần. Tuy nhiên thời gian vừa qua, Trung Quốc tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu rau quả của Việt Nam, khiến kim ngạch liên tục sụt giảm. Bên cạnh đó, yêu cầu chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm của thị trường Trung Quốc cũng kéo theo việc gia tăng các biện pháp kiểm dịch, gây ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu, làm chậm tiến độ xuất khẩu. Mặt khác, với Lệnh 248, Lệnh 249, Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh kiểm soát sản phẩm nhập khẩu, trong đó tăng cường giám sát vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Những điều này đang ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường trọng điểm Trung Quốc. Ngoài ra còn phải kể đến chi phí đầu vào sản xuất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng tác động đến sản xuất cây ăn quả, có thể ảnh hưởng năng suất, chất lượng trái cây; năng lực chế biến trái cây còn hạn chế, chủ yếu xuất khẩu trái cây tươi, nên nếu xuất khẩu gặp khó sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn đến tình hình tiêu thụ chung.

Đối với các thị trường khác, Phó Cục trưởng Bảo vệ thực vật Lê Văn Thiệt cho biết: Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ sáu loại quả gồm: thanh long, xoài, vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa. Hiện, hai bên đang trong quá trình đàm phán bước cuối mở cửa xuất khẩu mặt hàng bưởi. Tại thị trường Nhật Bản, Việt Nam đã xuất khẩu các loại quả tươi là thanh long, xoài, vải. Cục Bảo vệ thực vật cũng đang đàm phán với cơ quan chức năng của Nhật Bản về việc xuất khẩu nhãn bằng phương pháp xử lý lạnh. Phương pháp này sẽ là tiền đề để xuất khẩu các loại quả khác sang Nhật Bản thời gian tới.

Tích hợp nhiều giải pháp

Chia sẻ về cách làm của tỉnh Gia Lai trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ trái cây chủ lực, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Ngọc Có cho biết: Chanh leo hiện đang là cây trồng thế mạnh của tỉnh, cho lợi nhuận từ 350-400 triệu đồng/ha/năm. Thành quả này là nhờ vào liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa các vùng trồng cây ăn quả với doanh nghiệp.

Cụ thể, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) cam kết hỗ trợ chế biến khoảng 52.000 tấn trái cây, Công ty cổ phần Nafoods Group hỗ trợ chế biến khoảng 28.000 tấn... "Với định hướng đẩy mạnh xuất khẩu, Gia Lai chủ trương áp dụng các tiêu chuẩn Global GAP trong sản xuất, với diện tích hiện tại khoảng 9.000 ha, tập trung vào hai loại cây chính là chanh leo và chuối. Hiện Gia Lai cũng đã có 51 mã số vùng trồng, 21 cơ sở đóng gói"- ông Đoàn Ngọc Có nhấn mạnh.

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, việc phát triển xuất khẩu chuối cũng là định hướng thị trường đúng đắn vì thời gian qua, các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đều có dấu hiệu giảm, riêng mặt hàng chuối đã có bước phát triển vượt bậc. Trong 5 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 742.000 tấn chuối, tăng 10% so với cùng kỳ, trong đó chuối Việt Nam chiếm 43%, vượt qua Philippines với 28%. Ông Đặng Phúc Nguyên cũng nhận định, Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng nhập khẩu chuối Việt Nam do diện tích trồng chuối của Trung Quốc đã giảm, kéo theo sự gia tăng về thị phần nhập khẩu.

Bên cạnh định hướng về sản xuất, thì việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng cần đẩy mạnh trong thời gian tới. Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng cho biết: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đi tìm vùng nguyên liệu đã được cấp mã số vùng trồng để thu mua trái cây đang gặp rất nhiều khó khăn do dễ trùng lặp, vướng mắc với các doanh nghiệp thu mua khác.

Chính vì vậy, doanh nghiệp mong muốn các địa phương chủ động xây dựng những vùng trồng được cấp mã số, khi doanh nghiệp có nhu cầu thì địa phương sẽ cung cấp, tạo thuận lợi trong thu mua sản phẩm xuất khẩu. Mong muốn này xuất phát từ thực tế khi việc cấp mã số vùng trồng còn hạn chế. Cụ thể, tại đồng bằng sông Cửu Long mới có 1.561 mã, chiếm tỷ lệ 30,02%; Đông Nam Bộ có 224 mã, tỷ lệ 5,6%; Tây Nguyên có 168 mã, tỷ lệ 4,2%.

Về việc tham gia các hội chợ quốc tế, từ quan sát tại Hội chợ Thaifex Anuga Asia 2022 vừa diễn ra, ông Nguyễn Đình Tùng cũng chia sẻ, nên xây dựng một "ngôi nhà chung" cho trái cây Việt Nam khi tham gia hội chợ thay vì chia nhỏ thành các gian hàng cho các doanh nghiệp như hiện nay. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp tham gia phải thể hiện rõ sự chuyên nghiệp, trau chuốt hình ảnh để tôn vinh, khẳng định thương hiệu của trái cây Việt Nam với bạn bè quốc tế thì mới tạo ra hiệu ứng tiêu thụ tốt.

Cuối cùng, chế biến sâu vẫn là giải pháp cốt lõi cho vấn đề bảo quản và tiêu thụ trái cây mà Việt Nam cần hướng tới để giải bài toán tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu. Như Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh thông tin: "Nhìn từ Thái Lan, họ đã đi vào chế biến sâu các sản phẩm trái cây với trình độ rất cao. Trong khi Việt Nam còn đang bán sầu riêng tươi, sầu riêng sấy, sầu riêng đông lạnh thì Thái Lan đã tổ chức được những bữa tiệc buffet sầu riêng tại các nhà hàng".

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top