Giá vật liệu xây dựng tăng, người dân, doanh nghiệp gặp khó

08:03 - Thứ Hai, 13/06/2022 Lượt xem: 3643 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, giá vật liệu xây dựng như sắt, thép, xi măng, gạch, cát, đá… liên tục tăng cao, nhất là sắt, thép tăng khoảng 40% tùy từng loại. Giá vật liệu xây dựng tăng cao khiến nhiều gia đình và các nhà thầu xây dựng, chủ đầu tư bị ảnh hưởng lớn do công trình bị đội giá.

Công nhân Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại số 6 thi công gói thầu số 1, Dự án Đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế dọc trục quốc lộ 279 và quốc lộ 12 tại xã Thanh Xương (huyện Điện Biên).

Qua khảo sát tại các cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, giá nhiều mặt hàng phục vụ cho xây dựng tăng cao, như: Gạch xây, xi măng, cát, đá, hàng nội thất, thiết bị điện nước... đặc biệt là sắt, thép. Theo công bố giá vật liệu lưu thông trên thị trường (tại trung tâm các huyện, thị xã, thành phố) trên địa bàn tỉnh tháng 5/2022 của Sở Xây dựng có mức giá như sau: Đá hộc từ hơn 138 nghìn đồng/m3 - hơn 228 nghìn đồng/m3 tùy từng đơn vị cung cấp (đã bao gồm chi phí bốc xúc lên phương tiện vận chuyển và chưa bao gồm phí vận chuyển); cát trát tự nhiên hơn 318 nghìn đồng/m3; cát nghiền từ đá theo tiêu chuẩn 240 nghìn đồng/m3; xi măng Điện Biên PC40 có giá 1.520 đồng/kg; thép hộp mạ kẽm (thép Thái Nguyên) gần 26 nghìn đồng/kg; thép cuộn phi 6, phi 8 có giá gần 21 nghìn đồng/kg; gạch lát nền kích thước 600x1.200mm mài bóng loại 1 có giá gần 590 nghìn đồng/m2...

Theo các chủ cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng, có nhiều nguyên nhân khiến giá vật liệu tăng cao, trong đó chủ yếu là do khan hiếm nguồn nguyên liệu, ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, thời gian gần đây giá xăng dầu tăng mạnh khiến chi phí vận chuyển vật liệu tăng nên chủ cửa hàng cũng tăng giá theo để bù lại.

Giá vật liệu xây dựng tăng cao đã tác động không nhỏ đến ngành xây dựng. Nhiều hộ dân đang xây dựng, sửa chữa công trình nhà ở... cũng rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, hoặc tạm dừng thi công, hoặc chấp nhận chi phí đội lên so với dự trù ban đầu. Gia đình ông Nguyễn Văn Trọng, phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ có kế hoạch khởi công xây căn nhà 2 tầng với diện tích hơn 100m2, chi phí dự kiến khoảng 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá sắt, thép liên tục tăng giá, có loại sắt, thép tăng 1 lần từ 1 - 2 triệu đồng/tấn, nên gia đình ông quyết định chờ thêm một thời gian nữa xem giá cả thế nào mới quyết định khởi công. Theo ông Trọng, thông thường tiền sắt, thép sẽ chiếm khoảng 20% giá thành toàn bộ ngôi nhà, nhưng với giá sắt, thép tăng mạnh cùng giá xi măng, cát, sỏi, vật liệu xây dựng khác cũng rục rịch tăng theo như hiện nay sẽ khiến gia đình ông phải đi vay mượn thêm vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng nếu khởi công xây dựng trong thời gian này.

Không chỉ các hộ dân bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh bị tác động lớn. Hiện nay, doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh chiếm trên 80% trong tổng số các đơn vị sản, xuất kinh doanh. Việc tăng giá vật liệu xây dựng đã làm tăng chi phí xây dựng, các nhà thầu gặp nhiều khó khăn trong việc thi công xây dựng; nhiều công trình phải giãn tiến độ; một số chủ đầu tư dự án xây dựng sử dụng vốn Nhà nước vẫn phải chờ chủ trương chung để điều chỉnh dự toán, tổng mức đầu tư, ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng đã đề ra. Đặc biệt, gây ảnh hưởng nặng nề, bất lợi cho các nhà thầu xây lắp đối với các gói thầu thực hiện ký kết hợp đồng theo hình thức đơn giá cố định hoặc trọn gói.

Theo ông Vũ Ngọc Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phúc Linh Điện Biên, thi công xây dựng công trình xử lý điểm nguy cơ mất an toàn giao thông tại Km29+300, Km35+660, Km40+515 trên quốc lộ 4H, đoạn qua xã Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ), việc giá vật liệu tăng cao, nhà thầu xây dựng gặp rất nhiều khó khăn, kéo theo chi phí nhân công và các khoản chi phí khác cũng tăng theo. Cùng với đà tăng của thép, các mặt hàng khác như: Xi măng, gạch các loại, cát, đá... cũng tăng giá từ 10 - 30%,  khiến cho hoạt động xây dựng của đơn vị nguy cơ thua lỗ. Tuy nhiên, để đảm bảo uy tín của nhà thầu và cũng đảm bảo việc làm cho công nhân viên, lao động, Công ty vẫn phải triển khai theo đúng tiến độ đề ra. Chúng tôi kiến nghị các cấp, ngành, sớm có kế hoạch điều chỉnh giá vật liệu xây dựng để giảm bớt khó khăn cho nhà thầu và không ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các công trình.

Bên cạnh giá vật liệu tăng cao, nhiều ý kiến từ doanh nghiệp xây dựng và đơn vị liên quan cũng nêu bất cập đơn giá vật liệu xây dựng thời gian qua chưa sát thực tế, trong khi giá vật liệu xây dựng tăng cao, khiến dự toán đầu tư ban đầu chênh lệch lớn so với thực tế. Điều này khiến nhà thầu và cả nhà đầu tư rơi vào tình trạng thi công cầm chừng, thậm chí dừng thi công để chờ giá vật liệu giảm xuống. Trước thực trạng trên, tại buổi gặp mặt Hiệp hội Doanh nghiệp Điện Biên với Ban Thường vụ Tỉnh ủy (tháng 4/2022), trước kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện Biên về việc công bố giá xây dựng tại Điện Biên chưa kịp thời và sát thực tế, lãnh đạo UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát lại quy trình và kịp thời công bố giá vật liệu, giá công nhân tại địa phương sát thực tế.

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận

Tin khác

Back To Top