Sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao

08:19 - Thứ Năm, 30/06/2022 Lượt xem: 3718 In bài viết

ĐBP - Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, trong những năm qua, các cơ quan chuyên môn của tỉnh đề ra nhiều chủ trương, giải pháp tích cực để khai thác đúng tiềm năng, thế mạnh nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, toàn diện. Cùng với đó, một số nông dân trên địa bàn tỉnh đã chủ động tiếp cận nông nghiệp công nghệ cao một cách bài bản và khoa học. Từ đó, không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao, các mô hình này đã góp phần thay đổi tập quán sản xuất truyền thống sang sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng khoa học công nghệ.

Anh Ngô Xuân Đức, bản Huổi Phạ, phường Him Lam (TP. Điện Biên Phủ) kiểm tra chất lượng quả của mô hình sản xuất dưa lưới công nghệ cao tại gia đình.

Thay vì trồng các loại cây ăn quả truyền thống như: Xoài, bưởi, nhãn thì anh Ngô Xuân Đức, bản Huổi Phạ, phường Him Lam (TP. Điện Biên Phủ) lại chọn mô hình trồng dưa lưới thủy canh trong nhà màng để phát triển kinh tế và mang lại lợi nhuận cao. Đây cũng là điểm sáng đang thu hút nông dân trong tỉnh nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao và mở ra triển vọng lớn trong sản xuất nông nghiệp tại TP. Điện Biên Phủ.

Mô hình trồng dưa lưới thủy canh tại gia đình anh Ngô Xuân Đức thuộc Dự án Sản xuất thử nghiệm dưa lưới theo công nghệ cao đầu tiên tại TP. Điện Biên Phủ. Mô hình được Phòng Kinh tế thành phố tư vấn triển khai, với việc hợp tác liên kết sản xuất dưa lưới chất lượng cao tại gia đình anh Đức và Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Phú Mỹ Điện Biên năm 2021. Chỉ sau 3 tháng cho 1 vụ dưa; với diện tích 620m2 hiệu quả kinh tế đạt gần 22 triệu đồng. Với điều kiện khí hậu tại Điện Biên có thể triển khai 3 - 4 vụ/năm và cho thu khoảng 105 triệu đồng/1.000m2.

Học hỏi việc áp dụng công nghệ vào sản xuất dưa lưới từ các trang trại lớn, anh Đức đã đầu tư khoảng 1 tỷ đồng đầu tư 3 nhà màng, mỗi nhà khoảng 350m2, với đầy đủ các công nghệ như hệ thống thủy canh, bồn chứa nước, mô tơ, hệ thống điều hành xử lý, phân bón sinh học… Được triển khai từ năm 2021 song mô hình mang lại hiệu quả kinh tế bước đầu khá cao, đồng thời tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm và thu nhập ổn định. Đến nay, ngoài việc duy trì trồng dưa lưới thủy canh thì anh Đức còn trồng thêm cả dưa chuột baby.

Anh Đức cho biết: Để dưa lưới đạt chất lượng cũng như trọng lượng theo quy định, người trồng phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc mới cho hiệu quả cao. Bởi sau khi gieo trồng phải theo dõi diễn biến thời tiết hàng ngày và thăm vườn thường xuyên để điều chỉnh các biện pháp kỹ thuật, chăm bón cho phù hợp nhu cầu về nước và chất dinh dưỡng cho cây. Chính vì vậy, tùy theo điều kiện thời tiết tôi điều chỉnh thời vụ các loại cây trồng để đem lại hiệu quả tốt nhất.

Một điển hình khác là trường hợp anh Lò Văn Thành, tổ dân phố 1, phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ, sau khi tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành kinh tế nông nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân. Thay vì lựa chọn công việc làm công chức, viên chức Nhà nước, anh Lò Văn Thành chọn cách phát triển kinh tế hiệu quả với việc trồng cây măng tây xanh - được mệnh danh là “rau Hoàng Đế”.

Ngày đầu đưa cây măng tây, loại cây trồng mới, lạ về, nhiều người dân địa phương tò mò hỏi anh “trồng cỏ gì thế? Vì cứ ngỡ anh Thành trồng một thứ cỏ nào đó. Anh Thành thật thà trả lời: Không phải cỏ, mà trồng “rau Hoàng Đế”.

Với số tiền 400 triệu đồng được gia đình hỗ trợ để xây dựng mô hình nhà lưới trồng cây măng tây xanh, anh Thành đã xây dựng hệ thống nhà lưới hiện đại, đạt tiêu chuẩn, có hệ thống mái che tự động, hệ thống tưới nước tự động, hệ thống quạt thoáng... Và điều khiến anh Thành phải bỏ ra chi phí nhiều hơn cách trồng rau thông thường và càng khiến người dân địa phương tò mò đó là nguyên tắc trồng măng tây “5 không” của anh Thành. Đó là: Không trồng trên đất, tưới nước có nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học; không sử dụng thuốc diệt cỏ; không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học; không phân bón hóa học mà dùng các biện pháp tự nhiên để khống chế sâu bệnh; không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng.

Dù mới bắt đầu trồng năm 2020, đến nay sản phẩm măng tây của anh Thành được nhiều người tiêu dùng trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ lựa chọn mua về sử dụng trong bữa ăn hàng ngày. Và thu được hiệu quả kinh tế cao. Mỗi đợt anh Thành thu hoạch mầm măng tây trong khoảng thời gian 2 tháng liên tục. Mỗi ngày, anh Thành thu cắt khoảng 5kg mầm măng tây xanh xuất bán lẻ với giá 100.000 đồng/kg.

Anh Thành cho biết: Thời gian tới, tôi sẽ xây dựng thêm nhà lưới trồng với diện tích lớn hơn để nhân rộng mô hình và nâng cao sản lượng mầm măng tây. Tôi mong muốn sản phẩm măng tây trồng trên nguyên tắc 5 không của gia đình sẽ đến được nhiều người tiêu dùng không những chỉ ở Điện Biên mà còn xuất bán đi các tỉnh khác.

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn khá mới mẻ đối với nông dân Điện Biên bởi chi phí đầu tư lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao cũng như thị trường đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, với mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao của anh Đức, anh Thành đã mở ra triển vọng mới trong sản xuất; góp phần ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp nông thôn.

Lan Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top