Lao đao vì giá xăng, dầu

12:27 - Chủ Nhật, 03/07/2022 Lượt xem: 4787 In bài viết

ĐBP - Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu liên tục biến động với 13 lần tăng giá và 4 lần giảm. So với mức điều chỉnh đầu tiên vào ngày 11/1, giá xăng hiện nay đã tăng thêm 37%. Việc xăng dầu tăng giá đã tác động không nhỏ đến giá cả các mặt hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, chi phí giao thông... Khi dịch Covid-19 tạm lắng, hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước khôi phục thì giá xăng dầu lại “leo thang” đã tạo áp lực “khó khăn chồng chất khó khăn”cho người dân và doanh nghiệp.

Giá xăng, dầu tăng ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp, chủ đầu tư. Trong ảnh: Công ty TNHH Kim Yến, tỉnh Điện Biên thi công tuyến đường vào địa bàn xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên.

Trước kia, HTX Vận chuyển hành khách, hàng hóa và dịch vụ TP. Điện Biên Phủ có gần 50 đầu xe, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và giá xăng dầu tăng cao nên đến nay chỉ còn 44 đầu xe hoạt động. HTX hiện có 8 tuyến xe liên tỉnh, 4 tuyến nội tỉnh và 1 tuyến quốc tế chạy sang tỉnh Luông Nậm Thà (Lào). Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 đến nay, hoạt động vận tải có dấu hiệu tích cực trở lại thì giá xăng dầu lại liên tục tăng khiến HTX và các thành viên gặp rất nhiều khó khăn. Theo tính toán của đơn vị, các doanh nghiệp vận tải phải chịu mức xăng dầu chiếm tới 40 - 45% giá cước.

Trước những khó khăn khi giá xăng dầu tăng, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Giám đốc HTX Vận chuyển hành khách, hàng hóa và dịch vụ TP. Điện Biên Phủ bày tỏ: Lượng khách có chuyển biến hơn nhưng giá xăng dầu ở mức cao khiến chi phí cho 1 chuyến đi tăng lên nhiều, cụ thể chi phí 1 chuyến sẽ tăng thêm từ 2 - 3 triệu đồng/lượt. Trước kia chi phí cho xe giường nằm tuyến Điện Biên - Hà Nội cả chiều đi và về chỉ mất khoảng 6 - 7 triệu đồng nhưng khi xăng, dầu tăng giá thì chi phí các nhà xe phải bỏ ra gấp gần 2 lần nữa. Trong khi đó, các đơn vị vận tải vẫn vận chuyển hàng hóa, chở khách với giá niêm yết cũ, khiến các doanh nghiệp càng thêm khó khăn. Trước tình hình đó, đến nay các đơn vị đã làm hồ sơ điều chỉnh giá vé, cước vận tải để trình lên cấp có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…

Giá xăng, dầu tăng cao gần như “thuận theo lẽ tự nhiên” khiến chi phí về nhiên liệu phục vụ thi công cũng tăng, kéo theo giá các loại vật liệu xây dựng đồng loạt tăng do chi phí vận chuyển tăng. Điều này thử thách sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng trước áp lực tăng giá của các nguyên vật liệu đầu vào. Xăng, dầu tăng giá kéo theo sắt thép, xi-măng, cát, đá… giá cả “leo thang” khiến nhiều doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng lao đao. Bởi hầu hết nhà thầu đều ký kết hợp đồng đơn giá cố định với chủ đầu tư nên không thể điều chỉnh giá nguyên vật liệu, tổng mức đầu tư và phải tự bù lỗ khi giá nguyên vật liệu tăng.

Ông Chu Văn Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Nhị Điện Biên chia sẻ: Hiện nay, doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng nào cũng vất vả vì giá xăng, dầu và vật liệu đầu vào tăng, trong khi nhà thầu ký hợp đồng với chủ đầu tư áp dụng hình thức hợp đồng theo đơn giá cố định, không thể điều chỉnh. Chính vì vậy, với một số công trình, dự án được ký từ trước với mức giá nguyên vật liệu thấp nhưng đến khi thi công giá vật liệu tăng thì doanh nghiệp cũng phải chấp nhận và tự cân đối, bù lỗ. Đơn cử như giá sắt, thép khi ký kết hợp đồng chỉ ở mức giá hơn 20 triệu đồng/tấn nhưng đến thời điểm thi công đã tăng đến hơn 27 triệu đồng/tấn, doanh nghiệp cũng phải chấp nhận. Đến nay, sắt thép cũng có giảm nhưng không đáng kể so với trước. Còn gạch đỏ vẫn giữ mức giá cao (1,75 nghìn đồng/viên) và xi măng cũng vậy vẫn khoảng 18 triệu đồng/tấn… Trong khi đó, hợp đồng trọn gói muốn điều chỉnh không đơn giản vì lại phải phê duyệt lại từ những bước đầu tiên nên dù dự án nhỏ, giá vật liệu cao, doanh nghiệp đã trúng thầu rồi thì phải làm thôi. Điều các doanh nghiệp, nhà thầu mong muốn lúc này là kiến nghị tỉnh xem xét điều chỉnh giá vật liệu xây dựng và đơn giá nhân công sát với giá thực tế nhằm đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp.

Không chỉ doanh nghiệp, ngay với các hộ gia đình xây dựng nhà ở trong giai đoạn này cũng “liêu xiêu” bởi giá vật liệu, nhân công tăng. Thời điểm này, người dân tại các khu tái định cư đang khẩn trương xây dựng nhà cửa,ổn định cuộc sống, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng tăng mạnh. Bà Lê Thị Thanh Tiền, Khu tái định cư số 3, phường Thanh Trường (TP. Điện Biên Phủ) cho biết: Thời điểm gia đình xây nhà ở điểm tái định cư, giá vật liệu xây dựng liên tục tăng cao, nhất là giá thép xây dựng. Cùng với đó một số mặt hàng có mức tăng vượt đỉnh, chẳng hạn xi-măng tăng khoảng 100.000 đồng/tấn tùy thương hiệu, gạch xây dựng tăng khoảng 10%, gạch ốp trang trí tăng 10-15%… Không chỉ giá vật liệu tăng mà còn khan hiếm nữa, nhất là gạch đỏ, nhưng khi gia đình đã có kế hoạch xây nhà để ổn định cuộc sống rồi thì dù giá cao vẫn phải thi công thôi.

Tình hình giá xăng, dầu liên tục tăng cao từ đầu năm đến nay, cho đến chiều ngày 1/7, giá xăng dầu có giảm nhẹ nhưng không đáng kể nên vẫn tạo ra nhiều áp lực về giá cả các mặt hàng, vật liệu xây dựng, chi phí vận tải với nhân dân và doanh nghiệp. Người dân và doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ thiết thực từ chính sách, giải pháp của các ngành chức năng để đối phó với tình trạng “bão giá” các loại mặt hàng tiêu dùng, nguyên vật liệu xây dựng hay chi phí vận tải như hiện nay.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận

Tin khác

Back To Top