Khẩn trương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia

06:33 - Thứ Sáu, 08/07/2022 Lượt xem: 5161 In bài viết

ĐBP- Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) gồm: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, hiện nay tỉnh đang hoàn thiện các căn cứ pháp lý để các chương trình sớm được triển khai, đi vào cuộc sống và người dân sớm được thụ hưởng chính sách.

Từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, những năm qua hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh được đầu tư đồng bộ. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Long Dương Điện Biên thi công đường bản Noong Chứn, phường Nam Thanh (TP. Điện Biên Phủ).

Giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022, Trung ương phân bổ vốn thực hiện các chương trình MTQG chậm (cuối tháng 5 Chính phủ mới có quyết định giao vốn), dẫn đến các địa phương trong đó bao gồm tỉnh Điện Biên bị ảnh hưởng đến kế hoạch, tiến độ thực hiện. Từ đầu năm đến nay, để thực hiện chương trình MTQG, tỉnh ta đã phải huy động, lồng ghép các nguồn vốn thực hiện. Tuy nhiên, Điện Biên là tỉnh nghèo nên nguồn vốn ngân sách địa phương hạn hẹp, trong khi nguồn lực huy động từ nhân dân hạn chế, chủ yếu người dân đóng góp ngày công, hiến đất. Vì vậy, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của các chương trình trên địa bàn tỉnh.

Đơn cử như thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, trong 6 tháng đầu năm, kết quả huy động các nguồn lực để thực hiện chỉ đạt hơn 250 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách địa phương (ngân sách huyện) hơn 61,4 tỷ đồng; vốn lồng ghép các chương trình, dự án gần 180 tỷ đồng; vốn tín dụng hơn 5,6 tỷ đồng và vốn cộng đồng dân cư đóng góp hơn 3 tỷ đồng. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới. Điển hình là trong xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) được chọn xã điểm thực hiện. Tuy nhiên do thiếu nguồn vốn thực hiện nên đến nay xã vẫn chỉ đạt 13/16 tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao (không tăng tiêu chí nào so với năm 2021). Hiện nay xã còn 3 tiêu chí chưa đạt, gồm: Giao thông, thủy lợi và cảnh quan môi trường. Đây là những tiêu chí cần có vốn mới thực hiện được.

Thực hiện các chương trình MTQG có ý nghĩa hết sức quan trọng trong giải quyết các vấn đề về đầu tư kết cấu hạ tầng, phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Do đó ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định giao vốn, các ngành liên quan chủ động tham mưu cho tỉnh lập, phê duyệt, giao kế hoạch thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước; phương án phân bổ vốn thực hiện các chương trình giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022. Cùng với đó, thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý và tăng cường lồng ghép các nguồn vốn thực hiện, đảm bảo sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lặp, lãng phí; không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Trong quá trình triển khai thực hiện, bảo đảm nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp, trao quyền, nhất là cấp cơ sở, nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp chính quyền địa phương trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG; phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát. Bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng, đúng quy định pháp luật trong quản lý, tổ chức triển khai thực hiện, tuyệt đối không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực.

Đặc biệt, để sớm có vốn triển khai thực hiện, ngày 27/6, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã trình Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xin chủ trương về giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 thực hiện 3 chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tổng  kế hoạch vốn đầu tư phát triển giai đoạn này hơn 4.338 tỷ đồng. Trong đó Chương trình MTQG về Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hơn 2.530 tỷ đồng; Chương trình giảm nghèo bền vững hơn 1.434 tỷ đồng và Chương trình Xây dựng nông thôn mới hơn 373 tỷ đồng. Riêng năm 2022, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển gần 1.152 tỷ đồng cho cả 3 chương trình, gồm: Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gần 478 tỷ đồng; Chương trình Xây dựng nông thôn mới gần 187,5 tỷ đồng và Chương trình Giảm nghèo hơn 486,7 tỷ đồng.

Để phát huy hiệu quả việc phân bổ vốn và lựa chọn danh mục dự án các chương trình MTQG rất cần các cấp, ngành tỉnh đặc biệt chú trọng, đảm bảo đúng quy định. Theo đó, nguyên tắc phân bổ vốn chung đối với cả 3 chương trình, như: Việc phân bổ vốn cho các dự án, địa bàn thực hiện được áp dụng theo nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng ngân sách địa phương thực hiện theo nghị quyết của HĐND tỉnh; danh mục các dự án được phân bổ vốn ngân sách Trung ương là danh mục dự án đảm bảo phù hợp với phạm vi, đối tượng của chương trình, trong đó ưu tiên phân bổ vốn cho danh mục dự án đã được dự kiến khởi công mới năm 2022…

Ngoài những nguyên tắc chung, tùy từng chương trình lại có nguyên tắc riêng, đảm bảo đúng quy định. Đơn cử, đối với Chương trình về Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thì danh mục các dự án sử dụng vốn cân đối ngân sách địa phương cấp tỉnh quản lý, đảm bảo tỷ lệ vốn đối ứng không quá 5% theo tổng số vốn đầu tư thực hiện chương trình và đảm bảo tỷ lệ vốn đối ứng hàng năm theo số vốn ngân sách Trung ương giao để thực hiện. Trong khi đó, với chương trình Giảm nghèo bền vững thì tỷ lệ vốn đối ứng tối thiểu 3% theo tổng mức đầu tư các dự án do cấp tỉnh quyết định đầu tư.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top