Tái sử dụng đồ cũ góp phần bảo vệ môi trường

14:31 - Thứ Tư, 13/07/2022 Lượt xem: 4510 In bài viết

ĐBP - Xu hướng tái sử dụng đồ cũ (secondhand) đã và đang trở thành trào lưu được giới trẻ lựa chọn. Bên cạnh những yếu tố như: giá rẻ, không “đụng hàng”, đồ secondhand còn là cách góp phần bảo vệ môi trường khi tái sử dụng một lượng không nhỏ hàng thời trang bị loại cho dù chất lượng còn tốt.

Khách hàng chọn quần áo tại một cửa hàng bán đồ secondhand trên địa bàn phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ.

Hàng secondhand rất đa dạng từ quần áo, giày dép, túi xách… đến các thiết bị điện tử. Đặc biệt, rất nhiều sản phẩm còn mới, tốt hoặc là những món hàng đến từ các thương hiệu nổi tiếng được thanh lý với giá rẻ. Thông thường các mặt hàng này sẽ rẻ hơn từ 20 – 70% giá gốc, do vậy người mua có thể tiết kiệm được nhiều tiền hơn. Ngày càng nhiều bạn trẻ cho rằng đồ cũ có chất lượng ngang bằng hoặc thậm chí là vượt trội so với đồ chưa được sử dụng.

Sử dụng hàng secondhand cũng là một cách bảo vệ môi trường hiệu quả bởi để sản xuất một sản phẩm thời trang mới cần một lượng tài nguyên nhất định cũng như phát thải ra môi trường những chất, khí độc hại. Bên cạnh đó chất liệu sản phẩm thời trang cũng rất khó phân hủy khi thải ra môi trường.

Trên địa bàn tỉnh Điện Biên hiện nay xuất nhiều cửa hàng quần áo secondhand nhằm đáp ứng nhu cầu của người mua. Nhu cầu tìm và sử dụng loại hàng này ngày càng nhiều, nhất là nhóm khách hàng trong độ tuổi từ 18 – 30 tuổi. Quần áo secondhand còn được ưa chuộng bởi giá bán vừa phải, thậm chí là rẻ so với túi tiền của nhiều người. Đồng thời người mua còn được lựa chọn kỹ, mua đồ chất lượng, mẫu mã, phong cách phù hợp thay vì các mẫu mới.

Chị Minh Thúy, chủ cửa hàng quần áo Siem chuyên hàng secondhand (phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ) cho biết: Những bộ quần áo này đã bị các hãng, nhà mốt vứt bỏ nhưng chúng không cũ và lỗi thời. Hầu hết quần áo là của các hãng thời trang có tiếng, bị loại để cho ra loạt sản phẩm mới. Từ lâu mình đã có ý tưởng tái sử dụng quần áo cũ, vì nhận thấy rằng sản phẩm đó vẫn có thể sử dụng lại được nhiều lần và không bị lỗi mốt. Bên cạnh đó, điều mình quan tâm nữa và cũng là động lực mở cửa hàng thời trang secondhand là góp phần bảo vệ môi trường khi hạn chế thải loại ra môi trường một lượng không nhỏ những sản phẩm khó phân hủy của ngành thời trang. 

Bạn Minh Anh, 22 tuổi, ở phường Tân Thanh (TP. Điện Biên Phủ) chia sẻ: Từ lâu mình đã thích mặc những đồ có mẫu mã đơn giản, chất liệu bền, có thể mặc được nhiều lần mà không sợ lỗi mốt. Đồ secondhand cơ bản đáp ứng các tiêu chí đó. Mình thấy những sản phẩm này đều xứng đáng với giá tiền bỏ ra thay vì cứ mua mới rồi lại bỏ đi khi hết mốt. Qua tìm hiểu thông tin mình được biết tái sử dụng đồ cũ cũng là một cách góp phần bảo vệ môi trường nên bên cạnh việc hạn chế sử dụng đồ dùng một lần (túi nilon, cốc nhựa…) mình cũng hay lựa chọn mua quần áo secondhand.

Ngoài những lợi ích từ sử dụng đồ secondhand mang lại thì đồ cũ cũng có những khiếm khuyết. Đồ secondhand rất nhiều mẫu mã, chủng loại, chất liệu, kiểu cách đa dạng nên để chọn một món đồ ứng ý có thể tốn nhiều thời gian. Có sản phẩm có thể bị lỗi hoặc hư hỏng, nguồn gốc xuất xứ không đảm bảo vì vậy người mua cần kiểm tra cẩn thận hàng trước khi mua; chọn đồ theo chất liệu, kiểu dáng phù hợp với mình thay vì mua hàng chỉ căn cứ theo thương hiệu.

Ngành thời trang là một trong những ngành tác động lớn đến môi trường. Chất liệu nhiều sản phẩm rất khó phân hủy, có loại cần hàng chục, thậm chí hàng trăm năm mới phân hủy. Trong khi công nghệ xử lý, tái chế chưa đáp ứng yêu cầu thì việc tái sử dụng - ví dụ như đồ secondhand đã góp phần bảo vệ môi trường bằng hành động đơn giản.

Bài, ảnh: Nhật Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top