Tăng trưởng thủy sản và áp lực với môi trường

08:15 - Thứ Ba, 26/07/2022 Lượt xem: 4787 In bài viết

Hoạt động nuôi trồng và chế biến thủy sản đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế và kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong những năm gần đây. Theo Tổng cục Thủy sản, sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2021 đạt 4,75 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt tới 8,9 tỷ USD và 6 tháng đầu năm 2022 cũng thu về khoảng 5,8 tỷ USD, tăng 39,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Mô hình nuôi rong biển với vật liệu và kỹ thuật mới trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Thủy sản Việt Nam hiện đã có mặt tại hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, kể cả những thị trường khó tính như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia...

Tuy nhiên, tăng trưởng “nóng” của nuôi trồng và chế biến thủy sản cũng kéo theo nhiều hệ lụy, nhất là gây áp lực lên môi trường và đa dạng sinh học. Cả nước hiện có 825 cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu và 3.280 cơ sở chế biến quy mô nhỏ phục vụ tiêu thụ nội địa. Các cơ sở này thường phát sinh nước thải với hàm lượng chất ô nhiễm hữu cơ rất cao, lưu lượng xả thải lớn, vị trí sản xuất thường nằm ở khu vực ven sông, ven biển và nơi có nhiều cư dân sinh sống. Nước thải ảnh hưởng đến môi trường và các hệ sinh thái ven sông, ven biển...

Trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp, cơ sở chế biến đã chú trọng làm tốt công tác xử lý chất thải, tuy nhiên không ít cơ sở nuôi trồng, chế biến thủy sản vẫn thờ ơ, không tuân thủ quy định của pháp luật về nuôi trồng, chế biến thủy sản, thậm chí có những đơn vị bất chấp pháp luật, lén xả thải ô nhiễm ra môi trường khiến dư luận nhân dân vô cùng bức xúc.

Ðể đạt mục tiêu kép tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, trước hết các cơ sở, các hộ nuôi thủy sản cần áp dụng nhiều hình thức nuôi thực hành tốt, giảm tác động đến đa dạng sinh học: nuôi kết hợp tôm-rừng, tôm-lúa; nuôi theo quy trình, chứng nhận bền vững (VietGAP, ASC, BAP…); liên kết với các công ty chế biến trong chuỗi giá trị… Các địa phương cần xây dựng và phát triển các vùng nuôi tập trung, chuyển từ phương thức nuôi truyền thống sang nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao.

Ðối với lĩnh vực chế biến, ngoài các “hàng rào kỹ thuật” là quy chuẩn, tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng sản phẩm thủy sản nuôi trồng chế biến ở mức độ cao, theo tiêu chuẩn quốc tế, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương có cơ sở nuôi trồng, nhà máy chế biến vi phạm cần kiên quyết đình chỉ hoạt động các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Cơ sở chế biến thủy sản cần sớm được di dời đến các khu chế biến thủy sản tập trung theo lộ trình quy hoạch của địa phương và của cả nước.

Ðặc biệt, cần nâng cao nhận thức cũng như trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp về những giá trị thiên nhiên và các mối đe dọa làm suy thoái đa dạng sinh học đến từ hoạt động sản xuất và tiêu dùng không bền vững; thúc đẩy doanh nghiệp nuôi trồng và chế biến thủy sản thực hiện cam kết thực hành sản xuất xanh nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên, xã hội. Không chỉ tập trung cho đầu tư phát triển nuôi trồng, chế biến, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cần phải có trách nhiệm quan tâm và dành ra nguồn kinh phí thích đáng để nghiên cứu, ứng dụng giải pháp về môi trường trong hoạt động sản xuất, chế biến thủy sản, xem đây là hướng đi tất yếu và bắt buộc trong chuỗi giá trị thủy sản toàn cầu hiện nay…

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top