Mường Chà chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi

08:09 - Thứ Tư, 27/07/2022 Lượt xem: 5839 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, huyện Mường Chà có tổng đàn gia súc, gia cầm 238.250 con; trong đó, 20.397 con trâu, bò; 22.953 con lợn; khoảng 194.900 con gia cầm. Những năm gần đây tình hình dịch bệnh trên gia súc diễn biến phức tạp. Để triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, huyện Mường Chà đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, không để dịch bùng phát, lây lan trên diện rộng.

Người dân xã Mường Mươn, huyện Mường Chà chủ động phun khử trùng, tiêu độc vệ sinh chuồng trại chăn nuôi theo định kỳ.

Hiện nay, huyện đang tập trung chỉ đạo, vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tăng tỷ lệ chăn nuôi vỗ béo gia súc ăn cỏ, khuyến khích người chăn nuôi lựa chọn những con trâu, bò không đủ tiêu chuẩn làm giống để nuôi vỗ béo. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển tổng đàn các loài vật nuôi đặc biệt là chăn nuôi đại gia súc; khuyến khích phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết có sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp; giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn thả rông, phụ thuộc tự nhiên sang chăn nuôi có kiểm soát. Cùng với đó tiếp tục tuyên truyền và thực hiện tốt công tác tiêm phòng, phun phòng cho đàn gia súc, gia cầm để chủ động bảo vệ đàn vật nuôi. Thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh; tăng cường công tác quản lý giống vật nuôi, kiểm tra, giám sát điều kiện chăn nuôi, vệ sinh thú y, thực hiện tốt việc kiểm soát giết mổ theo quy định.

Nhờ tăng cường theo dõi, chăm sóc tốt, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm 6 tháng đầu năm trên địa bàn huyện được kiểm soát tương đối tốt. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện các loại dịch bệnh nguy hiểm, như bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh lở mồm long móng trâu bò. Cụ thể, từ ngày 1 - 15/5/2022, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 2 hộ chăn nuôi của bản Mường Mươn 1, xã Mường Mươn với tổng số lợn mắc bệnh, tiêu huỷ là 22 con (trọng lượng 1.555kg). Đến nay, đã qua hơn 60 ngày không xuất hiện trường hợp lợn chết phải tiêu hủy. Bệnh lở mồm long móng trâu, bò xảy ra từ ngày 17/6/2022, tại bản Phua Di Tổng, xã Hừa Ngài, với 6 con trâu mắc bệnh và đều được chữa khỏi.

Bà Lâm Thị Thương Huyền, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Chà cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin về tình hình dịch bệnh, đơn vị đã cử cán bộ thú y xuống địa bàn phối hợp với UBND xã, thực hiện các biện pháp như khoanh vùng ổ dịch, lấy mẫu gửi xét nghiệm, hướng dẫn tiêu hủy đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đồng thời, tuyên truyền người chăn nuôi thực hiện đúng quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật, khai báo với cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương khi có trường hợp gia súc, gia cầm chết bất thường, không rõ nguyên nhân; không để lây lan dịch bệnh ra diện rộng.

Tình hình dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2022 trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn do thời tiết khí hậu thay đổi thất thường, rét đậm, rét hại, tập quán chăn thả gia súc tự do của người dân. Các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thủy sản luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát như: Bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục ở trâu, bò, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa có vắc xin đặc trị... Để chủ động phòng bệnh cho đàn vật nuôi, hiện nay biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là tiêm vắc xin phòng bệnh. Trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn huyện đã triển khai tiêm phòng vắc xin dại cho chó mèo với 950 liều vắc xin  (đạt 100% kế hoạch); thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi đợt 1 năm 2022 trên địa bàn huyện với 1.605 lít hóa chất sát trùng. Hiện đang triển khai tiêm phòng vắc xin định kỳ gia súc vụ xuân hè 2022 với 14.050 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò; 3.300 liều vắc xin nhiệt thán trâu, bò; 13.500 liều vắc xin dịch tả lợn cổ điển.

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top