Phát triển chăn nuôi gia súc ở Tuần Giáo

05:53 - Thứ Sáu, 05/08/2022 Lượt xem: 5280 In bài viết

ĐBP - Xác định phát triển chăn nuôi gia súc là một trong những hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của địa phương khi vừa tận dụng được tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Những năm qua, huyện Tuần Giáo đã từng bước chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi theo hướng tập trung có quy mô vừa gắn với trồng cỏ chăn nuôi...

Thành viên Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ giống nông - lâm nghiệp (bản Bó Giáng, xã Quài Nưa) chăm sóc đàn bò.

Ông Trần Khoa Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo cho biết: Tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện hiện có hơn 88.330 con, tăng hơn 3.230 con so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, đàn trâu có 18.670 con, đàn bò 18.377 con và đàn lợn 51.285 con. Tập trung phát triển đàn gia súc, huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nhận thức, tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ sang phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa; chủ động lai tạo, lựa chọn con giống tốt; đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi để đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Nhằm chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc, giảm chi phí chăn nuôi, huyện vận động người dân tận dụng vùng đất có độ ẩm ven suối và chuyển diện tích đất trồng trọt kém hiệu quả sang trồng cỏ voi, VA06, Ghine. Hiện toàn huyện có khoảng 50ha đất trồng cỏ để phục vụ chăn nuôi. Mặt khác, người dân có thể tận dụng các phế, phụ phẩm từ trồng trọt (thân cây ngô, lạc, sắn, rơm, rạ) để làm thức ăn cho vật nuôi. Bên cạnh đó, huyện chủ động mở các lớp đào tạo nghề chăn nuôi, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới cho các hộ chăn nuôi; hướng dẫn các hộ làm tốt công tác xử lý chất thải và môi trường trong chăn nuôi bằng hầm biogas (hệ thống khí sinh học), bằng chế phẩm sinh học (men sinh học), ủ phân hữu cơ...

Đáng chú ý, công tác phòng chống dịch bệnh, phòng chống đói rét cho đàn gia súc luôn được huyện quan tâm thực hiện hiệu quả. Hàng năm, huyện đều triển khai 2 đợt tiêm phòng bệnh định kỳ cho gia súc vào vụ xuân hè và thu đông với các loại vắc xin: Nhiệt thán, tụ huyết trùng, lở mồm long móng. Đồng thời, tổ chức tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng nhằm ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Tháng 6 vừa qua, huyện đã triển khai tiêm gần 72.500 liều vắc xin nhiệt thán, dịch tả lợn, tụ huyết trùng cho đàn gia súc trên địa bàn 19 xã, thị trấn của huyện. Nhờ làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh nên những năm qua huyện không có dịch bệnh lớn xảy ra trên diện rộng, chỉ có một số bệnh xảy ra rải rác tại các xã nhưng được phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Đặc biệt, nhằm phát triển chăn nuôi gia súc trên địa bàn, huyện tích cực kêu gọi các công ty, doanh nghiệp đến đầu tư vào phát triển chăn nuôi; khuyến khích người dân xây dựng, phát triển mô hình trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ và vừa; thành lập các hợp tác xã chăn nuôi gia súc quy mô lớn để nâng cao hiệu quả, tạo việc làm cho người dân địa phương. Toàn huyện hiện có hàng chục mô hình hợp tác xã, chăn nuôi gia súc tập trung với số lượng lớn của người dân cho hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình nuôi bò vỗ béo gắn với trồng cỏ ủ chua làm thức ăn và kiểm soát phòng dịch bệnh của Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ giống nông - lâm nghiệp (bản Bó Giáng, xã Quài Nưa) với số lượng trâu, bò, dê được nuôi lên tới hơn 100 con cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm; mô hình nuôi trâu, bò sinh sản của gia đình ông Vừ A Tủa, bản Pú Xi 2, xã Pú Xi với số lượng gần 30 con cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm…

Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc trên địa bàn đã giúp huyện Tuần Giáo đạt những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Số lượng đàn gia súc được duy trì và phát triển ổn định, tổng đàn gia súc hàng năm đều tăng, phương thức và quy mô chăn nuôi đã có sự chuyển biến tích cực, cơ cấu sản xuất chăn nuôi chuyển dịch đúng hướng. Tiếp tục tập trung phát triển chăn nuôi, huyện đã triển khai xây dựng và thực hiện Đề án phát triển bền vững chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê) theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu được huyện xác định là phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân của đàn gia súc đạt khoảng 4%/năm; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản xuất của các giống vật nuôi, thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt; mở rộng diện tích trồng cỏ làm thức ăn cho đàn gia súc; tăng tỷ trọng chăn nuôi tập trung trong trang trại, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường… Từ đó, nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người chăn nuôi, thực hiện thành công kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Bài, ảnh: Đức Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top